Theo quy định mới, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc và chọn 4 môn từ 9 môn tự chọn. Thế nhưng, tại nhiều trường THPT, các em không có quá nhiều lựa chọn thực sự, mà phải theo các nhóm tổ hợp môn đã được xây dựng sẵn. Tình trạng này khiến không ít học sinh thiếu thông tin, chưa hiểu rõ năng lực bản thân và chưa xác định mục tiêu tương lai, dẫn đến sự lúng túng khi đưa ra quyết định.
Ba tiêu chí vàng định hướng từ giáo viên
Để tháo gỡ nút thắt này, cô Nguyễn Mai Hương - một giáo viên THPTđã đưa ra lời khuyên: "Khi lựa chọn môn tự chọn, học sinh cần dựa vào ba tiêu chí cốt lõi gồm năng lực cá nhân, định hướng nghề nghiệp và tổ hợp xét tuyển đại học yêu thích. Việc chọn đúng môn sẽ tạo lợi thế lớn trong định hướng thi đại học. Từ 4 môn tự chọn, các em sẽ cân nhắc chọn 2 môn để thi tốt nghiệp THPT, từ đó xác định tổ hợp xét tuyển phù hợp với ngành nghề và trường đại học mong muốn".
Cô Hương cũng chia sẻ "bí quyết" chọn tổ hợp môn chính xác ngay từ lớp 10. Đầu tiên, học sinh cần xác định những môn học mà mình đạt điểm cao nhất và yêu thích nhất ở bậc THCS – nền tảng nhận biết thế mạnh và niềm đam mê học tập.
Tiếp đó, cần xác định các nhóm ngành nghề yêu thích, phù hợp với mục tiêu và lợi thế gia đình, giúp có cái nhìn tổng thể về con đường sự nghiệp.

Cuối cùng, không thể bỏ qua việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học để biết họ xét tuyển các tổ hợp khối nào. Ví dụ, ngành y dược thường cần tổ hợp Lý, Hóa, Sinh, Tin; luật, kinh tế có thể liên quan đến Vật lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; kiến trúc, mỹ thuật thì cần Tin học, Vật lí.
Bên cạnh việc chọn tổ hợp, cô Hương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chắc, học đều các môn bắt buộc, đặc biệt là Toán và Ngữ văn, bởi đây là hai môn gốc xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.
Nhà trường đồng hành cùng phụ huynh, học sinh
Về phía các nhà trường, công tác tư vấn đang được đẩy mạnh để hỗ trợ học sinh và phụ huynh. Thầy Nguyễn Trung Tín, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn và đăng tải công khai. Ngoài ra, trường còn bố trí bàn tư vấn giải đáp mọi thắc mắc trong những ngày làm thủ tục nhập học.
Thầy Tín khẳng định, tư vấn lựa chọn môn học cần gắn liền với năng lực và định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Nhờ làm tốt khâu tư vấn ngay từ đầu, Trường THPT Thăng Long không có học sinh nào muốn chuyển đổi tổ hợp môn trong những năm qua.
Tương tự, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng mời phụ huynh học sinh đến trường nghe giới thiệu mô hình giảng dạy và hướng dẫn cách chọn tổ hợp môn trước khi xác nhận nhập học.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, chia sẻ nhiều học sinh từng "né" các môn Khoa học tự nhiên vì cho là khó, nhưng đó chỉ là suy nghĩ nhất thời khi chưa tính toán đến ngành nghề tương lai. Do đó, các thầy cô luôn khuyên học sinh có năng lực Khoa học tự nhiên nên mạnh dạn chọn các tổ hợp liên quan Vật lí, Hóa học, Sinh học, kết hợp với Văn, Toán, Ngoại ngữ để tạo ra các tổ hợp xét tuyển đại học phổ biến như A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh)…
Nguyên tắc để tránh "lệch hướng"
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên bộ môn Hóa học tại Hà Nội cảnh báo rằng, việc chọn sai tổ hợp có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng: mất hứng thú học tập, khó khăn khi xét tuyển đại học, và thậm chí mất phương hướng trong lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Do đó, học sinh phải xây dựng quy trình khoa học để chọn tổ hợp môn, tránh lựa chọn theo phong trào hay bạn bè. Cần hiểu rõ năng lực và sự hứng thú của bản thân – là sự kết hợp giữa đam mê, năng lực và tính cách phù hợp với nghề nghiệp. Tiếp theo, tìm hiểu ngay nhóm ngành nghề phù hợp, kết nối năng lực nổi trội và sở thích cá nhân với các nhóm ngành tiềm năng.
Cuối cùng, việc tham khảo thông tin tuyển sinh từ các trường đại học là vô cùng quan trọng để nắm bắt các tổ hợp xét tuyển của ngành nghề mình mong muốn.
Khi đã có đủ thông tin, nguyên tắc vàng là chọn tổ hợp giao thoa giữa môn học tốt và môn xuất hiện nhiều trong các tổ hợp xét tuyển, đồng thời là môn giúp phát triển kỹ năng nghề nghiệp sau này. Tuyệt đối không chọn môn chỉ vì "dễ để lấy điểm" nếu không phục vụ xét tuyển ngành mong muốn hay chọn theo bạn bè, bởi định hướng nghề nghiệp là hành trình cá nhân hóa sâu sắc.