Nhà văn Tống Ngọc Hân: 'Văn chương giống như leo núi, tôi chỉ bỏ cuộc khi kiệt sức'

Mươi năm trở lại đây, nhà văn Tống Ngọc Hân gây ấn tượng trong làng văn với những tác phẩm mang chất liệu, hơi thở cuộc sống của con người miền sơn cước. Cuộc đời Tống Ngọc Hân cũng đa đoan và muôn nỗi như trang viết của chị. 

"Có lúc, tôi cảm thấy mình bị số phận kéo lê"

+ Đọc văn của Tống Ngọc Hân rất dễ nghĩ rằng để dựng lên những thân phận, cuộc đời dữ dội, hẳn chị đã từng trải qua rất nhiều cay đắng trên đường văn, đường đời?

Nhà văn Tống Ngọc Hân.
Nhà văn Tống Ngọc Hân.

5 năm trước (khoảng cuối năm 2020) khi biết tin tôi từ ca phẫu thuật u não trở về, một người bạn thân ở xa đã nhắn tin hỏi tôi là "Còn gì nữa mà Hân chưa trải qua không?". Tôi nói với bạn ấy: "Chắc đây là lần cuối cùng rồi".

Tôi nói vậy thôi chứ bản thân thì không thể biết rằng "sóng gió" này đã là cuối cùng chưa. Chỉ là tôi hy vọng thế. Biến cố cuộc đời thì nhiều lắm nhưng rồi cũng qua hết. Ngạn ngữ La-tinh có một câu rất hay: "Bạn muốn đi thì số phận dắt đi, bạn không muốn đi thì số phận kéo lê".

Có lúc, tôi cảm thấy mình bị số phận kéo lê. Đó là năm tôi rời quê hương để đến với Lào Cai. Đúng hơn là một cuộc chạy trốn, đến chỗ yên lành ẩn náu. Lào Cai đã bao dung che chở tôi và gia đình nhỏ của tôi.

Tôi từng nhập viện mổ cấp cứu khi bị chẩn đoán vỡ u nang buồng trứng và mất máu cấp tại bệnh viện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Chỉ 2 năm sau, một vụ hỏa hoạn đã khiến căn nhà gỗ của tôi bên bờ sông Chảy hóa thành tro bụi.

Tôi và gia đình nhỏ tay trắng phiêu dạt lên Bảo Thắng - Lào Cai, tá túc nhà bác ruột tôi khoảng một năm. Sau đó, mùa hè năm 2002, tôi đến Sa Pa và ở đó đến khi hồi hương (2017). Nếu chưa có việc chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo, chưa chắc tôi đã về quê vào khoảng thời gian ấy.

"Sóng gió" thì nhiều lắm nhưng tôi được cái mau quên, ít khi than phiền quá khứ, càng không muốn than khó kể khổ.

Các tác phẩm của nhà văn Tống Ngọc Hân.
Các tác phẩm của nhà văn Tống Ngọc Hân.

Đời sống gập ghềnh bao nhiêu thì con đường văn chương của tôi lại thuận lợi bấy nhiêu. Tôi được chào đón từ những tác phẩm đầu tiên, cuốn sách đầu tiên đến tận bây giờ, độc giả vẫn hỏi bao giờ tôi lại ra sách mới. Nhìn văn thấy người, thấy số phận, điều ấy có giấu cũng không được. Nhưng kể ra những chuyện cụ thể như thế này, có lẽ đây là lần đầu tiên.

Tôi từng nói với con gái: "Nếu một ngày, trong cơ thể mẹ mọc ra một khối u thì chắc chắn nó nằm trong não". Hai năm sau đó, những cơn đau tối tăm mặt mũi khiến tôi rùng mình nghĩ đến những linh cảm, tôi tới bệnh viện và phát hiện u não, bác sỹ chỉ định phẫu thuật.

Nhà văn Tống Ngọc Hân sinh năm 1976 tại xã Đông Lĩnh (Phú Thọ), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đã in 3 tập tiểu thuyết, 15 tập truyện ngắn, 2 tập truyện thiếu nhi, 2 tập thơ. Trong số đó có nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng lớn như: Giải thưởng cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức (2011- 2015) cho tiểu thuyết "Âm binh và lá ngón"; giải Ba "Cây bút vàng" do Bộ Công an trao (2017) cho truyện ngắn "Đường biên giới màu đỏ"; giải A Giải thưởng Fansipan (2012-2017) do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cho tiểu thuyết "Huyết Ngọc"…

Tôi không muốn bị số phận kéo lê nữa, nhất là từ khi tôi đến với văn chương. Tôi ngoan ngoãn để số phận dắt đi. Vì tôi tin, ở hiền gặp lành. Tôi tin mình sẽ tỉnh dậy an toàn. Chẳng thể nào mà số phận lại bạc đãi tôi mãi được.

Ông trời lấy của tôi thứ này thì phải bù cho tôi thứ khác. Và rồi, như mọi người thấy, tôi cứ từng bước, từng bước mà đi, tai qua nạn khỏi.

"Văn chương khiến bạn trở nên bản lĩnh hơn"

+Cuộc sống quả không dễ dàng với bất cứ ai. Trải qua biến cố lớn về sức khỏe dăm năm về trước, nhà văn Tống Ngọc Hân trở lại với trang văn hay chính văn chương đã níu chị neo lại đời sống này?

Tác phẩm "Bức nude thứ 9" của nhà văn Tống Ngọc Hân.
Tác phẩm "Bức nude thứ 9" của nhà văn Tống Ngọc Hân.

Chính là tôi khao khát được sống, sống để tiếp tục viết. Bác sỹ phẫu thuật khối u não cho tôi năm đó còn rất trẻ, kém tôi chừng chục tuổi, cậu ấy hỏi tôi trước khi gây mê: "Chị có sợ không?". Tôi trả lời: "Không, đây là lần thứ tư chị lên bàn mổ rồi, sợ gì nữa!".

Nếu bạn mê văn chương đến một độ nào đó, bạn sẽ thấy, văn chương khiến bạn trở nên bản lĩnh hơn, dũng cảm hơn trong cuộc sống rất nhiều, không còn sợ gì, kể cả cái chết!

+Nội tâm và suy tư trong trang viết của Tống Ngọc Hân trong quãng đời này dường như đọng lại trong tác phẩm mới nhất của chị, tập truyện ngắn "Bức nude thứ 9"?

Đương nhiên rồi, nhà văn là thư ký của thời đại và thư ký của chính cuộc đời mình. Người làm văn và văn cũng làm người. Cuốn sách gần đây nhất là "Bức nude thứ 9", do tự tay tôi lựa chọn để in. Đây là lần đầu tiên tôi bỏ tiền ra tự in một cuốn sách cho mình.

Những lần trước đều là bán bản quyền cho đơn vị phát hành và nhà xuất bản, tôi dường như không can thiệp vào quá trình in ấn, giá cả, chỉ chăm lo bản thảo trước khi gửi đi thôi. Vì thế, có thể nói, đây là cuốn sách tôi ưng ý nhất trong số 20 đầu sách của mình.

Tất nhiên, khi lựa chọn, là tôi đã cân nhắc rất nhiều yếu tố, từ đề tài đến nội dung và thông điệp, mỗi mảng tôi chọn 1-2 truyện tôi cho là tốt nhất. Còn đánh giá như thế nào thì thuộc về độc giả.

Tuy nhiên, theo những gì tôi biết thì cuốn sách nhận được phản hồi tốt từ độc giả. Và tôi cũng có niềm tin để tiếp tục viết và làm những cuốn tiếp theo.

+ Không chỉ trang viết mà tôi cảm thấy con người và những câu chuyện về cuộc sống, về văn chương của nhà văn Tống Ngọc Hân luôn tỏa ra năng lượng ấm áp!

Quỹ thời gian của tôi không nhiều vì vừa bán hàng vừa viết lách và làm nhiều việc khác nữa nhưng vẫn dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của độc giả, của người mới viết. Có rất nhiều người trước đây từng là độc giả của tôi giờ đã trở thành người viết văn.

Nhiều người không thể viết thì họ kể cho tôi nghe câu chuyện của họ và mong muốn tôi tái hiện bằng tác phẩm văn học. Tất nhiên, đối với những bạn trẻ có thái độ cầu thị và ham học hỏi, tôi luôn tâm huyết sẻ chia những kinh nghiệm hai mươi năm viết lách của mình.

+ Những năm qua, "hữu xạ tự nhiên hương", một số tác phẩm của chị đã được chuyển ngữ và đưa vào các thư viện ở nước ngoài. Hẳn chị xúc động khi nhìn thấy những tựa sách của mình ở phương trời xa xôi?

Thi thoảng tôi lại được bạn bè ở nước ngoài chụp và gửi cho bức ảnh về một cuốn sách của tôi họ tình cờ thấy ở thư viện quốc gia nào đó. Hay việc tác phẩm của tôi được đưa vào giáo trình giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, hẳn nhiên là tôi rất vui rồi.

Đó là điều mà khi xưa, lúc tôi kê cuốn vở học trò lên đùi để viết ra những câu chuyện, tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi nhớ năm 2013, có một bạn học cũ gửi cho tôi một truyện ngắn bằng tiếng Nga in trên một tờ báo giấy. Khi ấy, tôi không thể đọc, chỉ nhìn rõ tác giả giống với tên tôi.

Tôi lần mò từng dòng, tôi thấy Sa Pa và tên các nhân vật của tôi. Đúng là truyện của tôi rồi. Tôi hỏi làm sao bạn chắc chắn đây là truyện của tôi thì bạn ấy nói rằng mình nhớ là ngày xưa Hân học rất giỏi văn, thế thôi.

Hoặc có bạn đọc báo trên chuyến bay từ Việt Nam sang Úc, thấy truyện ngắn của tôi bằng tiếng Anh, cũng chụp lại khoe. Hình như, trong mắt bạn bè cũ, tên tôi là một điều gì đó rất uy tín và rất đáng nhớ.

Văn chương giống như… leo núi

+ Những độc giả yêu mến trang văn của chị sẽ còn đón nhận thêm những tác phẩm mới của Tống Ngọc Hân trong thời gian tới?

Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống" tôi đã theo 10 năm và đây là lần thứ ba tôi dự giải. Hai lần trước là hai tiểu thuyết: "Âm binh và lá ngón", "Động rừng". Hai cuốn đó đều đã có giải dù không cao.

Tuy nhiên, chính cuộc thi này đã cho tôi biết và khẳng định, mình có thể viết tiểu thuyết, chứ không phải chỉ có truyện ngắn. Còn về cuốn tiểu thuyết lần này, "Người lạ cùng huyết thống", tôi chưa thể nói trước điều gì.

Cuộc thi lần này có sự tham gia của rất nhiều tác giả kỳ cựu ở mảng đề tài này, nhiều tác giả là người trong ngành Công an. Và ngay cả những tác giả trẻ, họ cũng giỏi hơn tôi rất nhiều.

Văn chương giống như leo núi, tôi chỉ bỏ cuộc khi kiệt sức, chứ không bỏ cuộc vì có nhiều người vượt qua mình. Hiện tại, tôi còn một tiểu thuyết và 3 bản thảo truyện ngắn nữa chưa có kế hoạch xuất bản. Vì cũng chưa vội gì. Sau cuốn sách thứ 20 (Bức nude thứ 9) tôi cũng cần một "chiếu nghỉ".

phunuvietnam.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong những ngày cuối tuần yên ả, Nhà văn hóa đa năng xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Văn Bàn) rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa. Ở đó, anh Lý Văn Tư cùng các thành viên Câu lạc bộ dân gian dân tộc Xá Phó say sưa tập luyện.

fb yt zl tw