Bạn học

ban-hoc-7477.jpg
Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

Giàng Mưởi - bạn của tôi - dân tộc Mông. Mưởi là người Mông hoa, nhà trên Pú Pẩu. Mưởi học với tôi từ bé, lại phải qua đường nhà tôi để về nhà, nên tôi thân Mưởi lắm.

Nếu người Thái chúng tôi ở thấp, gần suối, thì người Mông thường ở rất cao, cheo leo. Người Thái làm nhà sàn để tránh thú dữ, thì người Mông làm nhà lợp tranh, vách nứa và nền đất. Người Mông nói bằng mắt. Vì thế nên Mưởi cũng ít nói. Mưởi hơn tôi bốn tuổi. Tiếng Mông rất khó nghe. Ríu rít như tiếng chim. Dù học và chơi thân với Mưởi từ nhỏ nhưng tôi không biết nói, không biết nghe.

Nhà Mưởi có anh trai nhưng bị ma rừng bắt ngay lúc vừa chui khỏi bụng Nả. Pí cố mãi rồi cũng không được thêm con trai, chỉ có ba chị em gái. Mưởi là út nên được bố mẹ cho học lên cấp hai.

Hôm nhận được cái giấy học cao, Mưởi rủ tôi về, thông báo cho cả bản biết.

Đường lên nhà Mưởi chỉ thấy đá, đá trong lòng núi, đá chạm bước chân, đá ngang trước mặt, đá cao tới trời.

Những người lớn đến nhà Mưởi rất đông.

- Ô ồ! Đứa gái đầu tiên ở Pú Pẩu xuống Chiềng Ngần học đấy ! Sợ quá!

- Sợ gì? Học cũng như đi bán rượu, bán rau cải. Được bao nhiêu thì nhớ. Cô giáo người Kinh hỏi phải nói lại đúng! Thế thôi mà!

Mưởi nói hay thế, nhưng nó chưa bao giờ được điểm bảy.

Nhà người Mông cả ngày không đóng cửa, Quanh nhà là đá, ngô phơi trên đá, củi phơi trên đá, váy xòe trên đá, váy người Mông không giặt nước, giặt bạc màu thì xấu, Mưởi bảo với tôi thế, thêu một bộ váy Mông có khi cả năm mới xong. Khi trời nắng, mẹ Mưởi, chị Mưởi và Mưởi. Đem cây gậy ra, đặt váy lên tảng đá nhẵn mà giặt khô rồi phơi trên đá, nhìn như một đàn bướm khổng lồ xòe ra rực rỡ dưới nắng…

Ngày nối ngày, mặt trời rụng khỏi đỉnh núi.

Đi học, Mưởi mang mèn mén hoặc cơm nắm và một gói chẳm chéo có muối giã cùng mắc khén và hạt thảo quả nướng thơm phức.

Tôi mang cơm lam, có khi là xôi, hai đứa thường nghỉ ở hòn đá to, ăn xong mới leo dốc về nhà. Nhà Mưởi mãi trên đỉnh núi, cách nhà tôi tới hơn mười con dao quăng còn chưa tới.

Con đường đến trường vào mùa mưa, nước dềnh lên nhanh như cái chớp mắt. Chúng tôi thường phải cởi hết váy áo, bám những bụi cườm ven suối, lần từng bước, một tay giữ túi đựng sách vở và váy áo trên đầu. Sang tới bờ bên kia. Mưởi chạy nấp vào hòn đá to mà mặc lại váy. Tôi thì còn bé nên chưa biết xấu hổ, với lại có ai đi qua đâu? Đường này chỉ khi có chợ phiên mới đông người qua.

Cuối năm cấp hai, chỉ còn tôi và Mưởi xuống Chiềng Ngần tìm cái chữ. Tôi ham học, còn Mưởi thì sợ ngứa tay mỗi mùa gặt, sợ mỏi vai mỗi mùa tra ngô. Các chị và mẹ Mưởi phải lấy đất vào quẩy tấu, gùi lên những hốc đá, bỏ đất rồi cho hạt ngô vào đó. Và đất không phụ công người. Nằm cạnh đá mát nên cây ngô gieo ở những hốc đá rất tốt. Bắp chắc nịch, tròn lẳn như bắp chân đứa gái mười sáu...

Người Kinh coi học lên cấp ba chỉ nhỏ như mổ con gà, nhưng người Thái như tôi và người Mông như Mưởi thì nghĩ nó to như vào rừng sâu sờ vú con hổ đẻ.

Ngày nghỉ, tôi hay lên nhà Mưởi.

Mưởi là con út nên không phải đi nương, chỉ việc học thôi. Nhà Mưởi có trâu, ngựa và cả dê trên núi nữa.

Hai chị gái của Mưởi tuổi xăm xắp bằng nhau, môi đỏ như hoa chuối rừng, má căng như táo chín, hơi con gái ngun ngún trên những vạt ngô xanh biếc. Các chị buổi sáng cõng sương lên nương, tối cõng trăng về bản, dáng khỏe khoắn, bẻ cong con dốc lên ngôi nhà đầy mùi cỏ. Pí nói:

- Nhà tao ba đứa gái đẹp. Thằng trai nào muốn làm rể nhà tao, phải biết trông đàn trâu, đàn dê tốt, đẻ nhiều như con ong rừng mới xứng làm rể họ Giàng.

Tiêu chuẩn Pí đưa ra cao quá! Anh bên bản Cào Muông, Pa Hặp, có khi tận Chiềng Cang, Chiềng En cũng sang. Chẳng anh nào vừa mắt Pí.

Sợ các chị chẳng thằng trai nào bắt về làm vợ. Pí hạ thấp tiêu chuẩn:

- Thằng trai nào biết bắn con gà, biết thương con vợ, biết làm con vợ đẻ con là tao nhận rể thôi!

Buồn lâu quá! Rồi đến mùa thu ngô. Bỗng như không phải mùa xuân mà hoa mận lại nở. Qua mấy buổi chợ phiên. Tự dưng có hai anh đi cùng hai chị về nhà.

Mưởi vẫn đi học.

Nhà có các anh rể đến ở, cái vui tự nhiên về nhiều.

Mưởi không có anh trai, mà nhà tự dưng nhiều đàn ông, Pí cứ uống rượu thoải mái, lại ít phải lên nương vì có rể. Vui cái bụng quá! Mưởi cũng tíu tít. Mỗi tối căn bếp nhỏ tỏa những làn khói béo nú ní, cõng mùi thơm, ì ạch chui qua mái. Tiếng cười rúc rích, tiếng chặt thịt chuột, thịt sóc kếch kếch, tiếng xào nấu xèo xèo, tiếng lửa reo ù ù, tiếng vỡ vỏ cây khô đang cháy lách tách, tiếng cấu nhau chí chóe. Mùi thơm phức của xương, mùi thơm nồng của rượu ngô chưa đưa qua mũi đã chếnh choáng. Chẳng bằng mùi thơm nưng nức từ da thịt những đứa con gái của Pí.

Con rể rót rượu tràn chén bố vợ, con gái chạy lên bê thêm đĩa xào, chạy xuống bê thêm bát nấu! Chạy ra lấy thêm cái chén, chạy vào lấy thêm đôi đũa. Mắt cười, tóc bay như gió no tình, váy xòe, váy rung. Hai anh rể nhìn người yêu, chỗ nào cũng thấy thương. Lạ thế!

Sướng cái bụng quá! Đời còn gì sướng bằng! Biết cái vui về nhiều thế này Pí bắt bà vợ đẻ thêm mấy đứa gái nữa. Một đàn con gái hơ hớ, đứa nào đứa ấy đẹp mụ mị như hoa lê mùa xuân, như hoa hồng mi mùa hè, chúng nó cười thôi, làm những thằng trai tận Mường Hung, Muờng Lầm, Co Mạ, hít phải cái hơi là say, là nghiện rồi.

Có đông con trai thì Pí lại thấy cái buồn về nhiều chứ! Bao nhiêu dê, lợn, gà, đưa sang nhà gái để lấy đứa dâu về, còn phải bạc trắng nữa!

Ô ồ! Thương cái bụng vì tiếc của lắm! Nhà nghèo mà không có trâu, có bạc thì thằng con mình phải ở rể, khác gì mình mất con trai? Ở rể khác nào con chó cụt đuôi, ra đường có dám ngẩng mặt lên mà nhìn ai không? Ở rể nhà vợ như cây trám, quanh năm để buộc con trâu, con ngựa, đến mùa thu quả mới được quan tâm thôi. Có con gái, chả bằng mấy cái nương thảo quả tốt đấy à!

Có con gái , Pí chả phải mang cho ai tí nào, đàn trâu lại nhiều con hơn, đàn dê đẻ khỏe hơn. Sướng cái bụng quá!

Sau mùa thu hoạch, nương trơ gốc ngô lẫn trong đá xỉn màu, đàn lợn tha hồ rúc mõm dũi khắp nương. Những nhọc nhằn rơi vãi lẫn trong vạt cải lấm tấm hoa.

Hôm có cái giấy học trường Nội trú đưa về. Nhà tổ chức liên hoan.

Giữa sân, Mưởi tức tưởi lau nước mắt. Nhìn con chó đang nằm im lìm trên sàn được ghép bằng mấy thân tre, khoang bụng mở ra, trắng nhễ nhại, trống hoác.

Con Đăm là bạn thân của Mưởi. Lúc đi học, có khi nó theo chúng tôi qua một quả đồi mới quay về. Nó biết săn chuột, biết đuổi sóc, đuổi khỉ phá ngô, biết bắt cá dưới suối cạn, biết cả lùa đàn dê ăn xa quay về. Mưởi gục xuống, tay vuốt dọc mình con Đăm, nước mắt theo tiếng lửa rào rạo cháy, không bị gió lùa nên sắc như mảnh nứa rạch những vết xước đau nhói. Nả như miếng tay áo thêu dở bị nhúng nước, ngập ngừng:

- Mày ra sau nhà mà khóc, đừng để ai nhìn, không tốt. Khóc thế còn ai dám ở nhà mình nữa?

Pí bảo:

- Con Mưởi học xa, phải làm nhiều cái ngon mời bản, nương xa nương gần đã có hai anh rể, trông dê trông ngựa cũng có các anh rể rồi. Cần gì con Đăm?. Phải hi sinh con chó cũng không được tiếc.

Cái tức trong đầu Mưởi đang tróc ra từng mảng nham nhở. Nó nghĩ lời người lớn nói cũng đúng. Mưởi qua sân, nghiền nát đám đá răm, đưa tay áo lau những vết gió cào vừa ngang qua mắt buốt xót.

Lá chuối chặt nửa tàu, xếp đầy những thịt, miếng nạc miếng mỡ chen nhau nằm, mùi riềng, mùi sả, mùi ớt. Tay nhón miếng thịt cuốn lá mơ, môi nhờn mỡ, rượu ăm ắp, cười hả hê...

Mưởi dốc hết đến chén thứ bao nhiêu tôi cũng không biết nữa.

- Mưởi à! Uống rượu giỏi không tốt đâu! Uống rượu giỏi, thằng trai thích yêu thôi, không thích lấy làm vợ đâu!

Nả nói khi nhìn mặt con gái út đã đỏ lựng.

Rượu ru Pí ngủ ngay dưới nền nhà.

Cái nóng hầm hập trên mặt các anh rể. Hơi rượu thả qua kẽ tay, chị gái dìu anh rể vào trong những tấm ri đô, trăng non đốt đỏ vành tai đứa em út… tiếng cười đuổi theo cào ngang gấu váy, như gió kéo cành rào qua mùa cải vừa bung hoa trắng muốt. Huỳnh huỵch, kẹt kẹt.. rung rung…

Những anh rể này được họ Giàng làm lý rồi mà! Mưởi coi cái tiếng két két, rung rung kia như không có gì. Lạ thế chứ!

Làm lý rồi thì ai cũng phải thua cái lý người Mông thôi…

Pí được con rể lên nương làm xa, làm gần, thì cũng ngại cầm con dao, cái cuốc . Cái gối Pí mỏi rồi, cái tay phải nghỉ nhiều thôi! Có các con rể làm rồi! Tối tối, rượu ngô tràn bát, tiếng băm chặt tràn bếp, mấy đứa gái vẫn đẹp mụ mị như bông hoa rừng, tiếng cười rúc rích, da thịt phởn phơ. Cái bụng Pí vui nhiều. Vết nhăn trên mặt Nả như rủ nhau trốn vào hai má. Nả đã biết cười. Mỗi đêm, sương úp mặt say mèm xuống cỏ ngủ cùng đá, Pí còn đòi tình cảm Nả. Ngượng thế!

- Có con cái làm rồi! Ngô thừa làm mèn mén, bà ở nhà với tôi.

Tôi và Mưởi vẫn đi học.

Lên cấp ba, đường xa, không về nhà được, chúng tôi ở lại trường.

Hai đứa ở một phòng. Gọi là kí túc xá. Nhưng là một dãy nhà cho học sinh ở xa đến ở học từ sáng thứ Hai đến chiều thứ Bảy lại về.

Mưởi nằm sát giường tôi, trong phòng còn có thêm bốn bạn nữa ở cùng. Vì xa nhà nên chúng tôi tuy khác dân tộc nhưng nhanh thân nhau. Năm ấy, tôi mười bốn tuổi. Gầy như cây sậy bên suối. Mưởi trắng, má hây hây, căng mướt, môi đỏ như quả nhót chín.

Cách một cái sân là dãy nhà ở của những đứa trai.

Một buổi tối, đã khoảng mười giờ khuya, tôi thấy Mưởi trườn khẽ như con rắn xuống giường. Nó đi đâu đến lâu lắm mới về.

Sáng hôm sau tôi hỏi:

- Mày tối qua đi đâu? Tao lo quá!

- Tao sang buồng đứa bạn chơi, ngủ quên mất.

- Mày có đứa bạn nào thân hơn tao đấy à?

Tôi giận dỗi hỏi, Mưởi cười, lảng tránh câu hỏi của tôi.

Sau những hờ hững ấy, tôi giận Mưởi. Không còn thân nhiều như trước, Mưởi cũng không quan tâm tôi giận hay không nữa.

Lâu lâu, tôi thấy Mưởi có cái cặp tóc mới, cái áo mới, giống của cô giáo người Kinh. Tôi thấy nó có cả chiếc gương tròn bé xíu. Nó hay ngó mặt vào ấy mà cười…

Tao có người thương rồi! Mưởi khoe với tôi khi hai đứa đi học. Tôi tròn xoe mắt, ở đây cả ngày đi học, tối về học bài rồi ngủ, làm gì có thằng trai nào thổi khèn nói lời yêu đâu? Mưởi cười, mặt nó hồng lên.

- Tay nó đặt vào đầu gối thì đầu gối hết mỏi, đặt vào gót chân thì mát như có mưa. Miệng nó nói ngọt hơn mật con ong rừng. Nó bảo tao như mặt trời làm ngực trái nó bỏng, không gặp tao nó sẽ chết vì nhớ thôi.

Mưởi say sưa nói, má nó càng hồng lên, mắt nó đang cười.

Con gà trống thấy con gà mái thì gáy thôi, chả lạ gì.

Trời nóng, bài nhiều, có hôm tôi học đến khuya.

Trên giường Mưởi, tôi như thấy một xác rắn mới lột, mùi nhưng nhức, tanh tanh, nhẹ hều... bụng tôi có con dao cùn đang cưa qua cưa về. Rịn máu.

Nóng quá tôi ra ngoài sân hứng gió.

Mưởi! Là Mưởi đang chạy, tay xách váy lên mà chạy. Thảm cỏ bỗng im bặt tiếng côn trung rỉ rả. Tóc Mưởi xõa ra, tôi chong mắt lên mà nhìn, dưới ánh trăng mờ mờ, dưới chân tôi, muỗi vo ve… tôi rón rén. Tim muốn vỡ ra, nóng ngột ngạt, nghẹt thở. Mưởi mơn mởn, quầng tối trên cây hắt xuống ăn đen khuôn mặt. Bóng đàn ông đi qua dãy lớp học. Gió vo trăng lại như bát mèn mén nhuộm máu.

Tấm thân phốp pháp, như một cây cột nhà xù xì, đổ trên cái mơn mởn nõn nà kia mà hùng hục…tiếng ư ử như chó chạy ngược con dốc lởm chởm đá.

Trong tôi như có nhát cắt ngọt của vết dao sắc lẹm. Chẻ đôi tiếng gọi chưa kịp bung ra.

Tiếng côn trùng chỉ im lặng một lúc, rồi như đã quá quen… lại rỉ rả, đều đều… Trăng vẫn quấn vào mây, ném xuống đất cái thứ ánh sáng ỏng eo qua tán lá, rơi xuống làm bãi cỏ loang lổ rách lỗ chỗ. Cái hùng hục vẫn đều đều, tơ tướp vấy bẩn cái mơn mởn, nõn nà…

Sáng đi học. Mắt tôi chạm phải mảnh áo mưa nhơ nhớp rách một mảng, nằm hấp hối trên bãi cỏ sát bờ rào…

Má Mưởi vẫn căng như ngô ngậm đầy miệng sữa non, gương mặt tròn, mắt một mí, đôi môi đỏ như hoa chuối cắn chặt vào nhau. Mái tóc đen, mượt mà, được cột gọn sau gáy, chứ không xổ tung, nhớp nháp như đêm qua. Mưởi đã thay cái áo Mông có những đường thêu tay tỉ mỉ bằng cái áo bằng vải xiu mỏng tang. Lồ lộ cặp vú vươn nhưng nhức như thách thức.

Tôi bỗng lo sợ nghĩ rằng. Ngày mai Mưởi sẽ bỏ cái xà cạp cuốn chân kia ra. Mắt tôi tự dưng ầng ậng nước.

Tôi muốn ôm lấy Mưởi. Nói một câu xin lỗi. Rằng tôi đã sai rồi khi tôi tin Mưởi có đứa nào thân hơn mà bỏ tôi.

Nhưng chân tôi như chôn chặt xuống đất. Bụng buồn như con suối mùa cạn.

Hết lớp mười. Mưởi không trở lại trường. Tôi lên Pú Pẩu tìm bạn. Căn nhà lẫn trong nắng chiều hoe hoe, thông thốc gió lùa. Nụ cười của Mưởi chạy trốn tôi, nó nhìn ra khoảng sân trước mặt, mắt lạnh như hôm nhìn con Đăm bị giết thịt. Cái hờ hững chạy về bẻ cong cơn gió bắt đầu nổi lên. Nắng tắt, những hạt mưa li ti ướt mèm ánh mắt của Mưởi:

- Mày về đi, tao ở nhà lấy chồng thôi, không học nữa...

Tiếng Mưởi đắng như mật chuột, cấu đứt ngọn cải chưa trổ hoa, chuốc đau cả triền đồi có cây Pằng nảng to mà hai đứa bày la liệt ước mơ lên những cánh hoa đỏ mỗi buổi đi học về.

Pí nói Mưởi sắp lấy chồng. Lấy con của người giàu.

Chó buồn ngủ không thèm nhấc mõm sủa, hé mắt nhìn rồi vùi mõm vào đống vỏ ngô lạo xạo.

- Chỉ năm con dê là được làm cán bộ xã thôi, năm con dê không đủ thì thêm một con trâu. Con Mưởi sẽ làm cái cán bộ cao ở Pú Pẩu này đấy!

Pí nói trong cái men rượu mà mới đưa qua mũi đã say.

Cán bộ cao như Mưởi, liệu có giúp ích gì cho dân?

Cái buồn chạy về, cào nát bụng tôi như muối xát vết thương hở đang rịn máu.

Tôi thấy ngực bị ai vần tảng đá nặng đè lên…

Sấm rền rĩ như đàn bà đau đẻ. Tôi chờ đợi cồn cào một tiếng gọi với theo trong thảng thốt...

Cơn mưa bỗng ập đến… Mưa lộp bộp, mưa rào rào, mưa quất ngang dọc, mưa đuổi sau lưng, mưa sà trước mặt. Hơi lạnh toát ra muốn đập người ta vào đá gãy đôi lưng.

Ngày mai.. Chỉ còn một mình tôi lội qua suối để đến trường…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ác giả ác báo

Truyện ngắn: Ác giả ác báo

Ký được hợp đồng bán 2 đồi quế xong, Tráng Khờ Xá và Lý Mờ Giờ ra về. Trên đường về đầu bay, lòng bay, họ rẽ vào quán bên đường mua cả một cái thủ lợn luộc mang về, mồm bảo mồm đêm nay lán thảo quả nhà Giờ nằm cạnh đường phải chứng kiến trận say đã đời của hai kẻ rượu chảy qua mồm từ lúc chưa đến tuổi gánh vác công việc ở đời.

Chim núi bay về bản…

Truyện ngắn: Chim núi bay về bản…

Bình minh, những chú chim bay từ núi về bậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và dân bản. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh.

Bến đợi

Truyện ngắn: Bến đợi

Ngày nào vào lúc nhập nhoạng tối, Bến cũng mong có tiếng gọi “Đò ơi!” tha thiết bên kia sông. Bến cũng không đếm được cô đã chở bao nhiêu người, bao nhiêu số phận vui, buồn qua sông, nhưng với tiếng “Đò ơi” chiều đó là kỷ niệm xao lòng...

Những chiếc giày bên trái

Truyện ngắn: Những chiếc giày bên trái

Khi ấy bà còn trẻ, mái tóc dài đen ánh. Ông còn là chàng trai vạm vỡ và rắn rỏi, ngay cả khi chỉ còn một bên chân. Bố mẹ bà vì thương con gái mà không đồng ý mối lương duyên của hai người. Họ không đành lòng để bà lấy chồng xa quê. Cũng chẳng ai tin rằng bà có thể sống hạnh phúc với người chồng là thương binh nặng. Thế nên đám cưới của ông bà chỉ có ấm trà nhạt, ít bánh kẹo, cau trầu vui cùng đơn vị.

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Một đời người có thể làm từ một đến vài lần nhà mới để ở. Nhà ở có thể là nhà nhỏ tạm thời hoặc nhà to kiên cố, nhà gỗ truyền thống hoặc nhà xây hiện đại… Nhưng theo quan niệm của người Tày, mỗi lần làm, lên nhà sàn hoặc vào ở nhà đất mới đều phải tuân thủ một số công việc theo tập quán thì nếp nhà ấy sống mới ổn, yên tâm làm ăn, ấm no, hạnh phúc, dòng dõi phát triển.

Y Tý bước đi vững vàng

Y Tý bước đi vững vàng

Chúng tôi lên Y Tý (huyện Bát Xát) khi những cơn mưa rào thoắt đến rồi cũng thoắt đi, mang điệp khúc của tiết trời cốc vũ chuyển sang tiết lập hạ. Đứng trên dốc Ngải Thầu nhìn xuống cánh đồng Thề Pả và các khu ruộng bậc thang, đâu đâu cũng thấy người, trâu và máy cày bừa nhỏ hối hả làm đất cấy lúa.

fbytzltw