"Dưới khung trời ngát xanh" - từ Khát vọng Dế Mèn bước vào trang sách

“Dưới khung trời ngát xanh” là tập bản thảo truyện dài của tác giả Lữ Mai, từng được trao giải Giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5, năm 2024 do Báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Tháng 8 này, tập truyện dài đã chính thức được Linh Lan Books ấn hành để kịp đến tay bạn đọc nhỏ tuổi như một món quà trong trẻo, dễ thương của mùa hè.

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai là cái tên quen thuộc với những tác phẩm gắn liền với đề tài biển đảo, đặc biệt là về Trường Sa, với một tình cảm sâu sắc, chân thành và luôn tràn ngập cảm xúc. Chị viết đa dạng, từ thơ đến truyện ngắn, tản văn, trường ca… và ở thể loại nào cũng cho thấy năng lượng sáng tác dồi dào của mình.

“Dưới khung trời ngát xanh” được Lữ Mai ấp ủ chắt chiu từ những ký ức tuổi thơ của chính mình, với hình ảnh xóm nhỏ ven sông, những trò chơi thôn dã của lũ trẻ…

Tập truyện dài 140 trang, chia thành 14 chương, gồm: Mềm như tơ, Lều cỏ, Đắng ngọt chôm chôm, Hương đồi, Đuôi thằn lằn, Đám ma châu chấu, Vòm cống bí ẩn, Bí mật về chiếc bóng, Làng có khách, Ao Sao Ao Dành, Hang cua núi, Người lớn kể, Theo bà đi chợ, Hoa Đón Thu.

Trong lời mở đầu, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Nhiều năm sau khi rời xa ngôi làng nhỏ bé của mình - ngôi làng được núi đồi và dòng sông Lèn bao bọc bốn phía - tôi mới có thể đặt bút viết về nơi ấy. Những hình ảnh đầu tiên hiện lên gọi về ký ức tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Từng gương mặt, nụ cười, từng cuộc phiêu lưu nhỏ của lũ trẻ chúng tôi - thế hệ cuối 8x - mỗi lúc thêm rõ nét. Trong niềm xúc động và hạnh phúc đầy mê say, tôi viết một mạch. Viết như sợ những ký ức đơn sơ đó rời bỏ mình. Hoặc, chính mình sẽ bị cuốn đi, sẽ xa rời nó từ lúc nào mà mình không hay biết…”

Tác phẩm tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của đám trẻ xóm Đồi, làng Ghe - nơi được núi sông bao bọc bốn phía. Ký ức tuổi thơ ấy tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương, nên thơ và vô cùng đẹp đẽ.

Ở đó, người đọc có thể hòa vào nhịp điệu hồn nhiên của tuổi thơ trong hành trình kỳ thú của trẻ làng trẻ xóm, từ nhỏ đã tự lập, đùm bọc, chia sẻ với nhau và với cộng đồng. Chúng vui thú với vườn tược, ruộng đồng, quê hương bản quán; cùng nhau đắm say trong những trò vui như: đổ lỗ dế, dựng lều cỏ, bẫy chuồn chuồn… hay cả những trò nghịch dại là cành xoan trêu ngỗng, trêu tổ ong vàng…

Nhận xét về tập bản thảo, Hội đồng Giám khảo giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cho biết, Lữ Mai mang đến một sự kết nối có sức nặng giữa các thế hệ trên nền những câu chuyện tuổi thơ tưởng như nhẹ bẫng. Ở đây, không chỉ còn là sự kết nối của trẻ em và người lớn mà xa hơn, sâu hơn là sự kết nối giữa thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ thiêng liêng của thế hệ cha anh đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Lữ Mai chia sẻ, đây là tập bản thảo đong đầy ký ức của chị. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, chị đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc. “Tôi có một đặc điểm là có thể quên những sự kiện vừa diễn ra, nhưng ký ức dường như nguyên vẹn. Tôi nhớ từng loài cây dại ven đồi. Nhớ hương thơm ngai ngái của những cọng cỏ mẹ từng bế tôi lên dỗ dành khi tôi khóc rồi chạm cọng cỏ đó lên má tôi, lên môi tôi. Tôi viết với sự xúc động và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành cho tuổi thơ mình”.

Lữ Mai cho biết, các nhân vật nhí trong truyện chính là chị và bạn bè thủa nhỏ. Mỗi đứa trẻ một chân dung, tính cách riêng nhưng đều đáng yêu, nhân hậu. “Bây giờ, mỗi dịp họp đồng hương, ngồi lại bên nhau, chúng tôi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm. Có người đã quên, có người chập chờn nhớ. Chúng tôi cũng có cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau. Sợi dây ký ức giúp cho sự kết nối trở nên đồng điệu” - tác giả nói.

Trong “Dưới khung trời ngát xanh”, Lữ Mai khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống thôn dã với dòng sông uốn lượn, núi đồi bao phủ, ao chuôm, đồng bãi, mùa vụ…, nơi thiên nhiên hòa quyện với nếp sống hiền hòa, mộc mạc, giàu bản sắc nông thôn. Tác phẩm như một bức tranh ngập tràn màu xanh và nhiều chi tiết như: đường đê, bờ ao, làn khói, hương đồi, côn trùng... được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ, trau chuốt.

Cùng với những nhân vật trẻ con, “Dưới khung trời ngát xanh” còn có cả những nhân vật người lớn mang đến những ấn tượng đặc biệt. Đó là những người lớn ấm áp, ân cần, đem đến cho những đứa trẻ những bài học đích đáng, để chúng thấu hiểu cuộc sống xung quanh mình hơn, dần trưởng thành, giàu lòng yêu thương và vững vàng hơn trong cuộc sống. Đó còn là những nhân vật người lính, những câu chuyện về người lính từ chiến tranh trở về. Họ tượng trưng cho sự kết nối, tri ân của thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ hào hùng của dân tộc, những anh hùng đã làm nên tên đất, tên làng.

Lữ Mai chia sẻ: “Nhiều chương trong tác phẩm có thể sẽ mang đến niềm xúc động với độc giả, đó là Ao Sao Ao Dành, là những bông hoa Đón Thu trắng muốt, thơm ngát gắn với câu chuyện đau thương, hào hùng của chiến tranh mà dư âm còn đọng lại tận mai sau”.

Nhà thơ Lữ Mai nhận giải thưởng Khát vọng Dế Mèn hồi tháng 5.

“Dưới khung trời ngát xanh” được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đánh giá là kể về tuổi thơ riêng nhưng lại chạm được vào tuổi thơ chung của nhiều người. Không chỉ là những trang sách kể lại một phần hồi ức của thế hệ cuối 8x, đầu 9x - cùng thời với tác giả mà còn là ký ức của cả những người yêu văn chương, yêu thiên nhiên, yêu những giá trị tinh thần mà quá khứ đã để lại cho cuộc sống của mình

Chúng ta tiến đến tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ. Nhận thức và tri ân là điều cần thiết và phải hoàn toàn tự thân, tự nguyện. Khắp tổ quốc ta, có nơi đâu mà không có hy sinh, có người nằm lại để chúng ta được sống trong hòa bình độc lập? Khi ta nghĩ về quá khứ, dù quá khứ đó đã rất xa, ta không nếm trải, thì chính chúng ta sẽ nhận được những giá trị vô cùng sâu sắc mà không dễ đo đếm, cắt nghĩa. Nó giúp cho mỗi bước đi, mỗi nghĩ suy của ta trở nên ý nghĩa hơn.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bến đợi

Truyện ngắn: Bến đợi

Ngày nào vào lúc nhập nhoạng tối, Bến cũng mong có tiếng gọi “Đò ơi!” tha thiết bên kia sông. Bến cũng không đếm được cô đã chở bao nhiêu người, bao nhiêu số phận vui, buồn qua sông, nhưng với tiếng “Đò ơi” chiều đó là kỷ niệm xao lòng...

Những chiếc giày bên trái

Truyện ngắn: Những chiếc giày bên trái

Khi ấy bà còn trẻ, mái tóc dài đen ánh. Ông còn là chàng trai vạm vỡ và rắn rỏi, ngay cả khi chỉ còn một bên chân. Bố mẹ bà vì thương con gái mà không đồng ý mối lương duyên của hai người. Họ không đành lòng để bà lấy chồng xa quê. Cũng chẳng ai tin rằng bà có thể sống hạnh phúc với người chồng là thương binh nặng. Thế nên đám cưới của ông bà chỉ có ấm trà nhạt, ít bánh kẹo, cau trầu vui cùng đơn vị.

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Một đời người có thể làm từ một đến vài lần nhà mới để ở. Nhà ở có thể là nhà nhỏ tạm thời hoặc nhà to kiên cố, nhà gỗ truyền thống hoặc nhà xây hiện đại… Nhưng theo quan niệm của người Tày, mỗi lần làm, lên nhà sàn hoặc vào ở nhà đất mới đều phải tuân thủ một số công việc theo tập quán thì nếp nhà ấy sống mới ổn, yên tâm làm ăn, ấm no, hạnh phúc, dòng dõi phát triển.

Y Tý bước đi vững vàng

Y Tý bước đi vững vàng

Chúng tôi lên Y Tý (huyện Bát Xát) khi những cơn mưa rào thoắt đến rồi cũng thoắt đi, mang điệp khúc của tiết trời cốc vũ chuyển sang tiết lập hạ. Đứng trên dốc Ngải Thầu nhìn xuống cánh đồng Thề Pả và các khu ruộng bậc thang, đâu đâu cũng thấy người, trâu và máy cày bừa nhỏ hối hả làm đất cấy lúa.

fbytzltw