Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News

Y Tý bước đi vững vàng

1_20240604_171618_0000.jpg

Chúng tôi lên Y Tý (huyện Bát Xát) khi những cơn mưa rào thoắt đến rồi cũng thoắt đi, mang điệp khúc của tiết trời cốc vũ chuyển sang tiết lập hạ. Đứng trên dốc Ngải Thầu nhìn xuống cánh đồng Thề Pả và các khu ruộng bậc thang, đâu đâu cũng thấy người, trâu và máy cày bừa nhỏ hối hả làm đất cấy lúa.

5_20240604_171618_0004.jpg

Xe chúng tôi dừng ở đường giữa khu ruộng Choản Thèn để mấy phóng viên ảnh làm việc. Choản Thèn theo tiếng địa phương nghĩa là “đầu đồng”, vì dưới kia là cánh đồng ruộng bậc thang Thề Pả rộng hơn 230 ha, là kho thóc của xã Y Tý và 2 thôn thuộc xã A Lù. Anh Phà Thó Tra, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý xuống thôn nắm tình hình sản xuất, thấy người quen bèn dừng xe. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, anh cán bộ người Hà Nhì niềm nở: Xã có hơn 310 ha ruộng bậc thang, nhưng chỉ cấy được 1 vụ mùa, vì vậy Đảng ủy xã đã chỉ đạo bà con đưa các giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy, đồng thời kết hợp cấy các loại lúa đặc sản, lúa nếp để nâng cao giá trị canh tác. Khi Y Tý thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã xác định nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để ổn định đời sống người dân thì mới tiến hành thực hiện các tiêu chí khác được.

2_20240604_171618_0001.jpg

Qua trò chuyện với cán bộ người Hà Nhì, chúng tôi thấy, để Y Tý có được những hạt gạo trắng tròn, quả thực gặp không ít khó khăn. Mấy con mương dẫn nước dài hơn 4 km vắt trên sườn núi dốc, mặc dù đã được đổ bê tông nhưng mưa lớn kéo dài bẻ gãy hàng trăm mét, nếu bị đúng dịp lúa trổ đòng thì cầm chắc... mất mùa. Mưa lớn kéo dài có khi đánh sạt lở hàng loạt ruộng bậc thang lúa đang mơn mởn. Nhiều gia đình ở xa ruộng tới năm, sáu cây số, việc bón phân, chăm sóc lúa đâu phải dễ dàng, nên giữa cánh đồng thấy có những nhà lều có cả chuồng trâu, chuồng lợn. Giống lúa mới cho năng suất cao nhưng không đề phòng là sâu bệnh, rầy nâu ào đến “thu hoạch” từ khi lúa còn con gái. Dù các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mang theo các giống lúa lai năng suất cao nối tiếp nhau trèo lên ruộng bậc thang Y Tý nhưng trình độ của không ít hộ nhà nông vẫn chưa theo kịp. Nhờ có sự chỉ đạo cụ thể của cấp ủy đảng và sự nỗ lực của bà con, năm ngoái, năng suất lúa tăng từ 45 tạ/ha lên hơn 51 tạ/ha, thu về gần 1.606 tấn thóc. Song hành với giống lúa mới về Y Tý, các giống ngô lai năng suất cao cho hạt mẩy bắp đầy, trồng 2 vụ xuân và hè thu mở rộng màu xanh trên nương, riêng năm ngoái tỏa rộng tới 200 ha, cho thu về 880 tấn hạt, vừa gánh vác vai trò chăn nuôi, vừa là nguồn hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho dân.

4_20240604_171618_0003.jpg

Chúng tôi sang thôn Lao Chải thăm ông Ly Giờ Lúy, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý đã nghỉ hưu, khi ông đang trên nương xuyên khung ngay cạnh đường. Nhìn lá xuyên khung màu xanh lá mạ khoe những dải lá nhỏ xíu từa tựa tàu lá dương sỉ hay rau dớn. Giữa nương xuyên khung thoang thoảng hương thơm, ông lão tuổi Ất Mùi bảo với chúng tôi: Cây xuyên khung ở với người Y Tý từ bao nhiêu đời rồi. Từ nhỏ tôi đã theo mẹ lên nương trồng xuyên khung đấy. Nó là cây hằng năm nên trước hoặc sau khi ăn tết Nguyên đán phải gieo hạt rồi, qua tết Thanh minh là đánh cây con ra trồng. Cây thuốc này không phải chăm bón nhiều đâu, chỉ làm cỏ, vun luống một hai lần là nó khắc lớn, khắc ra củ. Khi có gió mùa đông bắc, xuyên khung khô lá là lúc đào về bán củ tươi hoặc phơi sấy khô để bán dần. Vào mùa đông nó lụi, nếu củ vẫn còn nằm dưới đất cũng không bị sương muối hay băng tuyết làm hỏng đâu.

8_20240604_171618_0007.jpg

Tôi đã nhiều năm gắn bó với Y Tý nên hiểu rằng, khí hậu lạnh ngăn trở không cho cây lúa sinh trưởng 2 vụ nhưng lại bù cho người Y Tý nhiều loại cây trồng ôn đới có giá trị kinh tế cao. Ngoài cây xuyên khung là dòng bản địa thì hơn chục năm nay, cây hoàng sin cô còn gọi là sâm đất đã trở thành cây thân thuộc với người Y Tý. Năm 2021, “thổ cư” hoàng sin cô ở Y Tý rộng hơn 80 ha, đem về 2.100 tấn củ tươi, cho người Y Tý cầm trong tay 12,6 tỷ đồng.

Lên thôn Phìn Hồ, chúng tôi thấy cạnh đường có mảnh vườn trồng cả đào, táo mèo và lê Tai nung. Bà lão Thào Mí De lưng địu cháu, tay cầm cuốc đang rẫy cỏ trong vườn, với vốn tiếng phổ thông khá thông thạo, bà lão người Mông kể cho chúng tôi: Trước đây chẳng ai ở Y Tý mình trồng cây ăn quả để bán, mà nó tự mọc, tự ra quả rồi chín rụng đầy gốc, họa hoằn mới có người tiếc của, thồ xuống chợ Mường Hum xa 30 cây số để bán. Một gùi quả nặng, bán khéo mới đủ tiền mua vài ba cân muối. Từ ngày có đường ô tô và khách du lịch lên đông, nhiều nhà mới trồng cây ăn quả. Vườn cây này của nhà tôi chỉ trồng có 30 cây đào, 20 cây lê Tai nung và mươi cây mận Tam hoa, năm nào cũng bán được chục triệu đồng!

3_20240604_171618_0002.jpg

Khi về nhà xem báo cáo tổng kết năm 2023 của UBND xã Y Tý, tôi thấy mấy con số: Toàn xã có 110 ha cây ăn quả, trong đó lê Tai nung đã trồng 70 ha, năm 2024 có 15 ha ra quả, dự định thu chừng 13 tấn.

Tôi vẫn nhớ, năm 1998 tôi lên Y Tý công tác, thấy hai phụ nữ Hà Nhì thồ gùi bí xanh, quả to hơn quả dưa hấu. Sau khi nói chuyện với họ, anh cán bộ xã đi cùng tôi chép miệng: Hai bà này gùi từ trên Mò Phú Chải xuống, định bán cho bếp trường thiếu niên dân tộc nội trú nhưng trong nhà bếp nhiều rau quá rồi, đành phải gùi về cho lợn ăn. Nhà nào cũng trồng đầy loại rau, bầu bí nhưng không bán được, khổ lắm!

7_20240604_171618_0006.jpg

Y Tý vốn là vùng rau ôn đới, mùa rét là các loại cải, mùa hè thì thêm bầu, bí, mướp, su su nên quanh năm lúc nào cũng dồi dào rau xanh. Từ khi có đường ô tô, kinh tế thị trường vẫy gọi su hào, bắp cải, súp lơ và cả cải xoăn Kale về góp sức mở vườn rau Y Tý rộng tới 50 ha.

Từ bao đời đàn trâu, đàn lợn và gia cầm đã góp phần không nhỏ trong kinh tế của người Y Tý. Đến nay, Y Tý đã vực đàn trâu lên 1.250 con, cao hơn năm 2007, khi bị rét hại hạ gục hàng trăm con trâu, ngựa. Ngựa là gia súc truyền thống vừa làm phương tiện vận chuyển vừa trở thành két tiền dự trữ của người Y Tý. Khi đường giao thông dẫn ô tô, xe máy đến tận sân nhà thì đoàn vận tải bốn vó gần như vắng bóng. Mấy năm nay, dự án của huyện Bát Xát về phát huy ưu thế mạnh của đất đai và khí hậu đã gọi đàn vận tải bốn vó trở lại, đứng vào hàng thương phẩm. Qua 4 năm thực hiện dự án, đến nay Y Tý đã có đàn ngựa 120 con. Ngày trước, ai nghĩ tới chuyện lên Y Tý mua cá tươi, nhưng bây giờ là việc thật. Nước suối Y Tý trong lành, mát lạnh đón cá hồi, cá tầm về sinh sống đã hơn chục năm nay. Đến nay, các bể cá có chừng 3.000 m3 nuôi cá hồi và cá tầm, năm ngoái hơn 9 tấn cá hồi lên ô tô tung tăng chào Y Tý để về miền xuôi.

6_20240604_171618_0005.jpg

Y Tý có tiềm năng kinh tế du lịch to lớn. Khí hậu trong lành, núi rừng làng bản ẩn hiện trong sương và bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là sự độc đáo của tộc người Hà Nhì đã hợp thành nền móng vững vàng cho du lịch phát triển. Mặc dù mới là ban đầu do đường giao thông chưa hoàn thiện, mặc dù không có nhà hàng, khách sạn hạng sang nhưng hơn hai chục homestay của các chủ nhân Hà Nhì, Mông, Dao mỗi năm cũng đón hàng vạn lượt du khách, riêng năm 2023 thu về gần 21 tỷ đồng. Tuy mới vận hành nhưng ngành “công nghiệp không khói” đang hợp sức với cây trồng và vật nuôi của ngành nông nghiệp tạo thành bước đi của Y Tý vững vàng lên con đường nông thôn mới...

Trình bày: Vân Thảo

Nguồn ảnh: PV, CTV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bầu trời kỷ niệm của tôi

Bầu trời kỷ niệm của tôi

Khi những gốc rạ ngoài đồng phai dần hương thơm thì cũng là lúc trời bắt đầu chuyển dần sang Đông. Không ai bảo ai, nhà nhà rục rịch chuẩn bị chưng cất những mẻ rượu ngon, ủ rượu để đón tết.

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên bài thơ này.

Cảm mến Lào Cai qua từng nét vẽ

Cảm mến Lào Cai qua từng nét vẽ

Ai đó đã từng nói rằng, vùng đất thơ mộng Lào Cai dù còn nhiều gian khó nhưng lại là nơi mang lại nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thi ca, cho những sáng tác nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực, như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc... Rất nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia khi đặt chân đến mảnh đất biên cương Lào Cai đều bị cảm mến bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Người say nghiệp văn chương

Người say nghiệp văn chương

Đoàn Hữu Nam cho biết: Năm 1975, anh nghỉ học giữa chừng chỉ vì gia đình nghèo khó, bố mẹ luôn đau yếu, chẳng có tiền học tiếp… Năm đó, có một công ty cầu đường ở Yên Bái về tận Hà Nam tuyển công nhân, anh dự tuyển, hy vọng được đi làm để bớt gánh nặng cho gia đình. Gần 18 tuổi mà người nhỏ thó, còm nhom, Đoàn Hữu Nam “còm” nhất trong số 160 người được tuyển dụng.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí tâm huyết về Thủ đô

Tôn vinh những tác phẩm báo chí tâm huyết về Thủ đô

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” do báo Hà Nội mới tổ chức đã thu hút hàng trăm tác phẩm báo chí chất lượng. Trong đó, nhiều bài viết đầy ắp tình cảm mến yêu, thương nhớ của các tác giả về Thăng Long - Hà Nội, một số bài viết thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng xây dựng Thủ đô giàu, đẹp.

Để phim tài liệu Việt Nam phát triển: Cần có chiến lược đầu tư dài hơi

Để phim tài liệu Việt Nam phát triển: Cần có chiến lược đầu tư dài hơi

Nhờ đa dạng đề tài, đổi mới cách thể hiện, cùng nhiệt huyết của người làm nghề, phim tài liệu Việt Nam ngày càng gia tăng sức hút. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tạo sự chuyển mình mạnh mẽ cho thể loại này, cần hơn nữa những chiến lược đầu tư dài hơi và các cơ chế chính sách khuyến khích để tạo thêm động lực cho các nhà làm phim, đặc biệt các nhà làm phim trẻ độc lập.

Tạo "đất diễn" cho truyện tranh Việt Nam

Tạo "đất diễn" cho truyện tranh Việt Nam

Thị trường truyện tranh Việt trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên dường như các tác phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vẫn đang lấn át thị trường trong nước. Vì sao nhu cầu của độc giả cao nhưng chúng ta vẫn thiếu những bộ truyện tranh “made by Vietnam”?

fbytzltw