Bầu trời kỷ niệm của tôi

Khi những gốc rạ ngoài đồng phai dần hương thơm thì cũng là lúc trời bắt đầu chuyển dần sang Đông. Không ai bảo ai, nhà nhà rục rịch chuẩn bị chưng cất những mẻ rượu ngon, ủ rượu để đón tết.

Những sinh ngô hạt chắc mẩy mẹ lấy từ sàn gác xuống, được sàng sảy kỹ trước khi bắc bếp luộc. Từng bó củi khô từ mùa trước được xếp thành hình khối gọn gàng, nay đã khô đanh. Mó nước lần đầu bản cũng trở nên ăm ắp, trong veo. Tay người thường ngày lóng ngóng, vụng về thì khi trổ tài nấu rượu bỗng trở nên thoăn thoắt đến thuần thục, để cho ra được mẻ rượu ngon nhất. Dường như, để chưng cất được mẻ rượu ngon, mọi thứ phải ở trạng thái dồi dào nhất, đong đầy nhất, kể cả tâm ý.

cach-bao-quan-ngo-bap-sau-thu-hoach-875-8494-5472-1112.jpg
Những bắp ngô được phơi khô sau khi thu hoạch.

Những bắp ngô sau khi thu về thì sẽ được tách hạt, phơi khô, khi dùng móng tay ấn mạnh vào lõi hạt mà ngô cứng đanh thì nghĩa là ngô đã phơi đủ nắng, có thể nấu rượu hay dự trữ cho chăn nuôi. Ở bản, nhiều người biết ủ và chưng cất rượu ngô, nhưng làm thế nào để rượu ngon, không bị khê thì không phải ai cũng thành công.

Những người có kinh nghiệm nấu rượu ở bản đều cho rằng, để có rượu ngon, khâu đầu tiên là chọn lựa ngô. Người ta thường chọn ngô hạt to, đều, không bị sâu mọt. Sau đó, ngô được làm sạch, mang đi luộc, luộc cho đến khi chín, nở là được. Ngô luộc xong được dàn đều ra nia, đợi khi nguội thì rắc men đều lên ngô. Qua một ngày đêm, khi đã ngấm men, thì cho ngô vào ủ. Thường thì người Mông ở quê tôi, ủ ngô đủ một tháng, khi thấy ngô lên men, dậy mùi thơm, mới đem ra chưng cất thành rượu.

ruoungobanpho1-637106377068624347-2575-2757.jpg
Chưng cất rượu. Ảnh: Tư liệu

Dụng cụ để nấu rượu gồm chảo và thùng gỗ tròn (kiểu chõ to có máng dẫn rượu ra ngoài), chảo hấp để đặt thùng và chảo trên thùng để đựng nước, được thay nước thường xuyên để giữ lạnh, hơi rượu bốc lên từ thùng sẽ gặp lạnh ở đáy chảo đựng nước lạnh phía trên, sau khi hóa lỏng thì sẽ thu được rượu. Rượu sẽ theo máng dẫn chạy ra ngoài rồi được hứng vào chum.

Những chum rượu sẽ được người Mông hạ thổ, đợi ngày quan trọng của bản, của dòng họ, dịp lễ hội, hay mỗi khi tết đến, xuân về... mới mang ra dùng. Từng chum rượu sóng sánh, thơm nức xâm chiếm khoang mũi cũng đủ ngất ngây cả ngày. Rượu không chỉ là món quà để tặng nhau, còn là đầu câu chuyện, là nét văn hóa của đồng bào vùng cao trong cuộc sống thường ngày.

Với tôi, chưng cất rượu ngô là cả một bầu trời kỷ niệm gắn bó của tuổi thơ. Tôi vẫn nhớ những ngày học phổ thông gần nhà, hễ khi nào mẹ nấu rượu là có tôi phụ giúp, từ sàng ngô đến rửa chảo, rồi nhóm bếp… Cứ thế, tôi cùng mẹ đi qua những mẻ rượu ngô thơm nức được chưng cất mỗi mùa. Sau này, khi tôi rời núi xuống phố học mới không phụ giúp mẹ nấu rượu nữa. Thế nhưng, những mẻ rượu của mẹ đã nuôi tôi trưởng thành. Ngày đó, những can rượu thơm nồng của mẹ đã lên xuống theo tôi trên mỗi chuyến xe từ quê ra phố. Những can rượu đã giúp tôi đóng học, giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt khi xa nhà.

Dịp này ở bản đang vào mùa chưng cất rượu ngô. Tôi lại nhớ mẹ, người đã tần tảo sớm khuya vì gia đình, gần 40 năm vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, với mong muốn truyền lại văn hóa cho thế hệ mai sau. Tôi nhớ những ngày tháng được ở gần bên mẹ, nhớ về những ký ức thơm nồng hương rượu mỗi mùa chớm đông...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ác giả ác báo

Truyện ngắn: Ác giả ác báo

Ký được hợp đồng bán 2 đồi quế xong, Tráng Khờ Xá và Lý Mờ Giờ ra về. Trên đường về đầu bay, lòng bay, họ rẽ vào quán bên đường mua cả một cái thủ lợn luộc mang về, mồm bảo mồm đêm nay lán thảo quả nhà Giờ nằm cạnh đường phải chứng kiến trận say đã đời của hai kẻ rượu chảy qua mồm từ lúc chưa đến tuổi gánh vác công việc ở đời.

Chim núi bay về bản…

Truyện ngắn: Chim núi bay về bản…

Bình minh, những chú chim bay từ núi về bậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và dân bản. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh.

Bến đợi

Truyện ngắn: Bến đợi

Ngày nào vào lúc nhập nhoạng tối, Bến cũng mong có tiếng gọi “Đò ơi!” tha thiết bên kia sông. Bến cũng không đếm được cô đã chở bao nhiêu người, bao nhiêu số phận vui, buồn qua sông, nhưng với tiếng “Đò ơi” chiều đó là kỷ niệm xao lòng...

Những chiếc giày bên trái

Truyện ngắn: Những chiếc giày bên trái

Khi ấy bà còn trẻ, mái tóc dài đen ánh. Ông còn là chàng trai vạm vỡ và rắn rỏi, ngay cả khi chỉ còn một bên chân. Bố mẹ bà vì thương con gái mà không đồng ý mối lương duyên của hai người. Họ không đành lòng để bà lấy chồng xa quê. Cũng chẳng ai tin rằng bà có thể sống hạnh phúc với người chồng là thương binh nặng. Thế nên đám cưới của ông bà chỉ có ấm trà nhạt, ít bánh kẹo, cau trầu vui cùng đơn vị.

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Một đời người có thể làm từ một đến vài lần nhà mới để ở. Nhà ở có thể là nhà nhỏ tạm thời hoặc nhà to kiên cố, nhà gỗ truyền thống hoặc nhà xây hiện đại… Nhưng theo quan niệm của người Tày, mỗi lần làm, lên nhà sàn hoặc vào ở nhà đất mới đều phải tuân thủ một số công việc theo tập quán thì nếp nhà ấy sống mới ổn, yên tâm làm ăn, ấm no, hạnh phúc, dòng dõi phát triển.

Y Tý bước đi vững vàng

Y Tý bước đi vững vàng

Chúng tôi lên Y Tý (huyện Bát Xát) khi những cơn mưa rào thoắt đến rồi cũng thoắt đi, mang điệp khúc của tiết trời cốc vũ chuyển sang tiết lập hạ. Đứng trên dốc Ngải Thầu nhìn xuống cánh đồng Thề Pả và các khu ruộng bậc thang, đâu đâu cũng thấy người, trâu và máy cày bừa nhỏ hối hả làm đất cấy lúa.

fbytzltw