Mùa cổ tích thơm hương

Mùa thu về nồng nàn trên phố cũng là lúc, những gánh hàng trong chợ bày bán vàng ruộm mẹt sấu chín, những gói cốm xanh non thơm dịu trong lá sen, lá dong với chiếc lạt rơm, thì hẳn nhiên không thể thiếu những quả thị vàng thơm thơm đâu đó.

Dù chưa nhìn thấy dạng hình, thì chỉ cần ngang qua hàng thị, cũng đã ngửi thấy ngào ngạt hương thơm. Chắc hẳn, mỗi khi nhắc đến quả thị, ai cũng thuộc nằm lòng từ tấm bé hình ảnh dịu hiền của cô Tấm bước ra từ câu chuyện cổ tích.

Met-hoa-qua-cung-ram-dat-nhu-tom-tuoi-co-gi-ma-gia-len-toi-hang-trieu-dong-met-2-1598942254-880-width700height525.jpg
Những quả thị căng tròn, màu vàng tươi, đẹp nhất vào mỗi độ mùa thu sang. Ảnh minh họa

Mùa thị về trên phố cũng nhẹ nhàng như mùa thu đến vậy, không ồn ào, náo nhiệt nhưng đem theo cả một trời thương nhớ dịu dàng. Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, ở quê, mỗi mùa thị chín, bà tôi ngóng từ lúc quả còn xanh để chờ chuyển màu vàng là hái xuống, bện túi len cho tôi xách đi tung tẩy khắp làng. Mùi thị cứ thế theo tôi đi dọc suốt triền đê, suốt những năm tháng tuổi thơ… và cho đến tận bây giờ, dù có xa quê, nhưng mỗi lần bất chợt ngửi thấy hương thơm của thị chín, thì dường như, mọi thứ kỷ niệm chất chứa như ùa về. Hình ảnh của bà, của mẹ, của chị gái và cả cô bé Na hàng xóm, bạn thân của tôi nữa. Tôi vẫn nhớ, ngày Rằm tháng Bảy hay dịp Trung thu, bà thường bày vài ba quả thị chín vàng vào chiếc mẹt tre cùng một nhành hoa cau thơm nức, có cả những bông hoa ngọc lan, hoa thiên lý… bà hái trong vườn nhà để dâng cúng tổ tiên.

1-16619116699721821249671-1661917748609576845191.jpeg
Mùa cổ tích thơm hương để tìm lại những ký ức trong trẻo của tuổi thơ. Ảnh minh họa

Mùa thị ở phố được háo hức mong chờ mỗi độ thu về, bởi giữa tất bật của cuộc sống, ai cũng muốn tìm cho mình những giây phút dịu dàng, được đắm mình trong vẻ đẹp của những quả thị xanh, vàng ai đó đã tỉ mẩn sắp đặt trong những không gian đầy lãng mạn… Nhiều khi, chỉ cần một cú nhấp chuột, thì những cành thị còn nguyên quả xanh lẫn quả chín vàng được mang đến để thỏa sức cắm vào những chiếc bình để trưng trên bàn làm việc, trên ban công, trên bàn trà… Để rồi, sau những phút giây bận rộn với công việc, trở về nhà để thư thái ngắm những bình quả thị như thế, trong ngào ngạt hương thị thơm thơm.

Tôi vẫn có thói quen đi chợ vào mỗi buổi sớm, để chọn mua được những mớ rau tươi ngon, những bó hoa vừa cắt… Và không thể thiếu những quả thị căng tròn, màu vàng tươi, đẹp nhất vào mỗi độ mùa thu sang. Ngày trước ở quê, ông tôi có trồng cây thị quả tròn, nhưng giờ trên phố tôi còn thấy người ta bán cả loại thị dẹt nữa, bé xíu, xinh xinh. Có những hôm, tôi mua hết cả mẻ thị, như sợ người ta mua mất của mình vậy, rồi chia cho khắp phố, mỗi nhà vài quả để trên bàn uống nước chỉ để cho thơm. Dường như đã thành thói quen, nên có bận, vào mùa thị chín, chưa kịp mua, bác hàng xóm kế bên đã nhắc “năm nay chưa thấy ai bán thị nhỉ”… Vậy là ngay hôm sau, kiểu gì cả phố cũng ngập trong hương thơm của thứ quả cổ tích.

16-16619116713032024064964-16619177492111853669488.jpeg
Thị trở thành món quà của mùa thu. Ảnh minh họa

Mùa thị trong năm, cũng giống như những mùa quả chín, mùa mít, mùa na, mùa ổi vậy, nhắc người ta nhớ về những tháng ngày đang trôi trong bánh xe tuần hoàn của thời gian, của vòng quay bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thế rồi, mỗi lần ngang qua mùa cổ tích thơm hương như để tìm lại những ký ức trong trẻo của tuổi thơ, của những tháng ngày yêu thương đong đầy kỷ niệm… “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy những bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…” (Nói với em - thơ Vũ Quần Phương)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bến đợi

Truyện ngắn: Bến đợi

Ngày nào vào lúc nhập nhoạng tối, Bến cũng mong có tiếng gọi “Đò ơi!” tha thiết bên kia sông. Bến cũng không đếm được cô đã chở bao nhiêu người, bao nhiêu số phận vui, buồn qua sông, nhưng với tiếng “Đò ơi” chiều đó là kỷ niệm xao lòng...

Những chiếc giày bên trái

Truyện ngắn: Những chiếc giày bên trái

Khi ấy bà còn trẻ, mái tóc dài đen ánh. Ông còn là chàng trai vạm vỡ và rắn rỏi, ngay cả khi chỉ còn một bên chân. Bố mẹ bà vì thương con gái mà không đồng ý mối lương duyên của hai người. Họ không đành lòng để bà lấy chồng xa quê. Cũng chẳng ai tin rằng bà có thể sống hạnh phúc với người chồng là thương binh nặng. Thế nên đám cưới của ông bà chỉ có ấm trà nhạt, ít bánh kẹo, cau trầu vui cùng đơn vị.

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Tập quán làm nhà mới của người Tày Nghĩa Đô

Một đời người có thể làm từ một đến vài lần nhà mới để ở. Nhà ở có thể là nhà nhỏ tạm thời hoặc nhà to kiên cố, nhà gỗ truyền thống hoặc nhà xây hiện đại… Nhưng theo quan niệm của người Tày, mỗi lần làm, lên nhà sàn hoặc vào ở nhà đất mới đều phải tuân thủ một số công việc theo tập quán thì nếp nhà ấy sống mới ổn, yên tâm làm ăn, ấm no, hạnh phúc, dòng dõi phát triển.

Y Tý bước đi vững vàng

Y Tý bước đi vững vàng

Chúng tôi lên Y Tý (huyện Bát Xát) khi những cơn mưa rào thoắt đến rồi cũng thoắt đi, mang điệp khúc của tiết trời cốc vũ chuyển sang tiết lập hạ. Đứng trên dốc Ngải Thầu nhìn xuống cánh đồng Thề Pả và các khu ruộng bậc thang, đâu đâu cũng thấy người, trâu và máy cày bừa nhỏ hối hả làm đất cấy lúa.

fbytzltw