Ngày 18/3, 3 phi hành gia Nga đã bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) an toàn trên tàu vũ trụ Soyuz để cùng thực hiện một sứ mệnh chung của Nga-Mỹ suốt hơn 20 năm qua trên quỹ đạo.
Các phi hành gia người Nga Oleg Artemyev, Denis Matveev và Sergey Korsakov trong cuộc họp báo trước chuyến bay ngày 17/3. |
Sự xuất hiện của ba thành viên mới được những phi hành gia trên ISS gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và một thành viên phi hành đoàn người Đức chào đón nồng nhiệt bằng những cái ôm và bắt tay.
Chuyến bay diễn ra một ngày sau khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo dừng sứ mệnh chung robot lên sao Hỏa với Nga do những xung đột giữa Nga với Ukraine.
Chuyến bay kéo dài 3 giờ 10 phút sau khi tàu vũ trụ Soyuz cất cánh từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan.
Tên lửa đẩy Soyuz-2.1a cùng với tàu vũ trụ Soyuz MS-21 được đưa lên bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan ngày 15/3. |
Ba nhà vũ trụ mới của Nga bắt đầu sứ mệnh khoa học kéo dài 6 tháng rưỡi, do chỉ huy Oleg Artemyev dẫn đầu, cùng các tân binh Denis Matveev và Sergey Korsakov.
Họ sẽ thay thế ba thành viên phi hành đoàn ISS hiện tại dự kiến bay trở lại Trái đất vào ngày 30/3 là hai phi hành gia Nga Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov và phi hành gia Mỹ Mark Vande Hei.
Phi hành gia Vande Hei dự kiến sẽ lập kỷ lục của NASA với thời gian 355 ngày trên quỹ đạo vào thời điểm anh quay trở lại Kazakhstan trên tàu vũ trụ Soyuz cùng hai đồng nghiệp.
Ở lại trên trạm vũ trụ với ba người mới đến cho đến lúc có chuyến bay tiếp theo trong vài tháng tới là ba phi hành gia NASA - Tom Marshburn, Raja Chari và Kayla Barron - và phi hành gia người Đức Matthias Maurer của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Tàu vũ trụ Soyuz MS-21 chở ba phi hành gia Nga khi bắt cập bến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào ngày 18/3. |
Bốn thành viên này đã cùng nhau bay lên Trạm vũ trụ vào tháng 11/2021 trên tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida với thời gian làm việc sáu tháng trên quỹ đạo.
Trạm Vũ trụ quốc tế được xây dựng vào năm 1998, liên tục có phi hành gia làm việc từ tháng 11/2000 và do Mỹ-Nga dẫn đầu cùng các thành viên gồm Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu.
Các quan chức NASA cho biết, các thành viên phi hành đoàn ISS của Mỹ và Nga, mặc dù biết về các xung đột trên Trái đất, nhưng vẫn làm việc cùng nhau một cách chuyên nghiệp và căng thẳng chính trị không ảnh hưởng đến trạm vũ trụ.