Mục tiêu của quy hoạch này nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Định hướng quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc đến năm 2030 về phát triển rừng: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm.
Giai đoạn 2021-2025, trồng 1,178 triệu ha, bình quân 235,7 nghìn ha/năm; giai đoạn 2026 - 2030, trồng 1,2888 triệu ha, bình quân 257,8 nghìn ha/năm. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500 nghìn ha, năm 2030 sẽ có khoảng 1 triệu ha, đồng thời năm 2030, diện tích trồng rừng gỗ lớn (rừng sản xuất) dự kiến đạt 1 triệu ha.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước...
Để thực hiện các mục tiêu này bên cạnh việc đẩy mạnh trồng rừng, trong đó có rừng sản xuất nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước, phục vụ chế biến đồ gỗ và lâm sản. Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, chuyên môn hóa. Khuyến khích phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao...