Thầy giáo quân hàm xanh của dân bản

LCĐT - “Thầy giáo Cường”, “bộ đội Cường”, “chú Cường dạy chữ”… là những cái tên gần gũi, thân thương mà bà con địa phương gọi mỗi khi nhắc tới hoặc trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Duy Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trịnh Tường (Bát Xát). Hơn 20 năm công tác trong lực lượng biên phòng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Thiếu tá Cường đã gắn bó, coi mảnh đất biên cương Tổ quốc như quê hương thứ 2 và coi dân bản nơi công tác là anh em ruột thịt.

Thiếu tá Cường (giữa ảnh, cầm sổ) trò chuyện cùng người dân địa phương.
Thiếu tá Cường (giữa ảnh, cầm sổ) trò chuyện cùng người dân địa phương.

Trước khi là lãnh đạo trong đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Duy Cường đã có nhiều năm tham gia công tác vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường và Đồn Biên phòng Y Tý (Bát Xát). Trong cuốn sổ tay của mình, Thiếu tá Cường dành những trang đầu, cẩn thận ghi chép lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng biên phòng như một cách ghi nhớ để tự học tập, rèn luyện hằng ngày. Trong đó, anh tâm đắc nhất là lời căn dặn của Bác tại buổi lễ thành lập lực lượng công an nhân dân vũ trang (3/3/1959), nay là ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng: “Chúng ta phải dựa vào dân, nhất là công an biên phòng, ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, hy sinh cả cho ta”.

Nhớ lời Bác dạy, những năm 2000, khi là cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Y Tý, anh thường xuyên tới các thôn, bản nắm tình hình đời sống của người dân. Nhận thấy nhiều người dân địa phương chưa biết chữ khiến việc tiếp thu kiến thức mới trong sản xuất bị hạn chế, khi chính quyền, ngành chức năng địa phương tổ chức lớp học xóa mù chữ cho dân, anh liền đăng ký cho bà con tham gia. Vừa là cán bộ vận động người dân đến lớp, vừa là thầy giáo đứng lớp giảng dạy, suốt nhiều năm liền, anh gắn bó với các thôn, bản của xã Y Tý, góp phần giúp nhiều người dân nơi đây đọc thông, viết thạo, biết tính toán. Thời gian này, không ngại khó khăn, anh cùng cán bộ địa phương, giáo viên các trường học trên địa bàn chặt nứa, tre để xây dựng, gia cố phòng học, nhà văn hóa thôn hoặc đóng bàn, ghế cho bà con đến học chữ. Người dân đi rừng, đi nương về, anh kiên trì đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con đến lớp. Vì thế, khi những phòng học tạm sáng ánh đèn, dân bản rủ nhau lên lớp, bộ đội Nguyễn Duy Cường lại trở thành thầy giáo, say sưa giảng bài. Hình ảnh này trở nên quen thuộc đối với bà con vùng cao Y Tý trong thời gian bộ đội Cường công tác tại đây.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xóa mù chữ tại Y Tý, khi chuyển công tác về Đồn Biên phòng Trịnh Tường, trong vai trò là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Thiếu tá Nguyễn Duy Cường lại tiếp tục hành trình dạy chữ cho dân bản nơi đây. Trong trí nhớ của mình, anh Cường không thể quên những học viên người dân tộc thiểu số, đã nhiều tuổi, họ rất ngại học, ngại đến lớp. Hiểu được tâm lý của đồng bào, anh đã đến nhà cán bộ thôn và người có uy tín để vận động trước. Khi họ tham gia lớp học sẽ cùng anh tuyên truyền, thuyết phục bà con hưởng ứng. Để các lớp học duy trì sĩ số, đảm bảo chất lượng học tập, anh lựa chọn thông tin, giới thiệu nội dung học ngắn gọn, dễ hiểu để bà con có thể ghi nhớ. Giờ giải lao, thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Duy Cường lại thân mật trò chuyện, hỏi thăm tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và hoàn cảnh của từng người để tạo không khí vui vẻ, gần gũi. Nhiều khi anh tự bỏ tiền mua bánh, kẹo, trà để học viên liên hoan hoặc làm phần thưởng cho học viên chăm học.

Bằng nỗ lực vượt khó cùng sự kiên trì, bền bỉ, từ năm 2013 đến nay, anh Cường đã cùng cán bộ, giáo viên địa phương tổ chức được 10 lớp học cho 288 học viên ở xã Trịnh Tường, xã Cốc Mỳ hoàn thành các lớp học xóa mù chữ. Nhiều học viên sau khi học, biết đọc, biết viết đã tiếp thu tốt kiến thức sản xuất, kinh doanh vẫn nhắc nhớ về bộ đội Cường với tình cảm trân trọng, như các học viên Lù Thị Hiên, Chảo Ông Dền, Tẩn Lở Mẩy... Những năm qua, anh Cường còn vận động được nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng hàng nghìn cuốn vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường học trên địa bàn.

Không chỉ tạo được tình cảm tin yêu với dân bản qua những lớp học xóa mù chữ, Thiếu tá Nguyễn Duy Cường còn nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, anh đang trực tiếp giúp 2 hộ trên địa bàn xã Trịnh Tường là Vàng Kim Sinh và Sùng A Sài. Đây là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài giúp đỡ về vật chất từ đơn vị, bản thân anh Cường trích một phần lương để thăm hỏi, động viên các gia đình mỗi dịp lễ, tết. Hằng tuần, anh xuống thăm, nắm tình hình để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Với trách nhiệm của người lính biên phòng và tình cảm như dành cho người thân trong gia đình, Thiếu tá Cường đã động viên, hướng dẫn hai hộ dân canh tác, chăn nuôi hiệu quả. Đặc biệt, anh động viên, giúp đỡ Sùng A Sài (vốn là thanh niên ham chơi) tu chí lao động cùng gia đình phát triển kinh tế.

Tấm lòng và những việc làm trách nhiệm, nghĩa tình của Thiếu tá Nguyễn Duy Cường đã được bà con vùng biên giới ghi nhận, tin yêu.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ động, tích cực tham gia xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Chủ động, tích cực tham gia xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Qua đó, hướng tới mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Bảo đảm môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả

Bảo đảm môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả

Điện thoại di động dần trở thành thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng chất lượng dạy và học. Vì vậy, hiện nay nhiều địa phương, trường học đã đưa ra biện pháp hạn chế hoặc cấm triệt để nhằm bảo đảm môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả.

Vì tương lai trẻ thơ

Vì tương lai trẻ thơ

Trong những năm qua, công tác cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, nhằm hướng đến thế hệ tương lai phát triển toàn diện về trí tuệ và tầm vóc.

fbytzltw