Khai thác lợi thế sẵn có
Hành trình cung đường Tây Bắc với các điểm đến đến mới tại Sơn La đang được nhiều du khách lựa chọn, nhất là dịp mùa thu này. Để tạo thêm sức hút, Sơn La đang lựa chọn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Mộc Châu với hơn 2.150 ha chè, hơn 3.000 ha rau màu, trên 10.400 ha cây ăn quả, cùng với vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao... trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp.
Huyện Mộc Châu tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm phát triển du lịch sinh thái với nhiều địa điểm được du khách biết tới, như: Du lịch trải nghiệm vùng chè tại Làng chè của Vinatea Mộc Châu, đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, đồi chè Mộc Sương; trải nghiệm hái dâu tây tại Chimi Farm, Hoa Mộc Châu Farm; trải nghiệm mùa hoa, mùa hái quả tại thung lũng mận Nà Ka, thung lũng mận Mu Náu; trải nghiệm chăm sóc bò sữa tại Dairy Farm...
Những đồi chè xanh ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm dịp nghỉ lễ. Ảnh: TTXVN
Tại huyện Mai Sơn, “thủ phủ” dâu tây Cò Nòi với vùng chuyên canh dâu tây hàng trăm ha được trồng mỗi năm, là địa điểm hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm hái quả. Các trang trại tổng hợp, vườn nho, vườn cam, sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp dịch vụ tham quan, ăn uống... đang được hình thành và phát triển, hỗ trợ nông nghiệp tại Mai Sơn thêm lực phát triển.
Để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, những năm gần đây, Sơn La tạo dấu ấn với các lễ hội gắn với các mùa hoa, mùa quả tại các địa phương, trở thành những sự kiện xuyên suốt trong năm. Với hơn 20.000 ha, Sơn La là vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Năm 2023, Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Arabica Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc” là sự kiện quy mô và mang ý nghĩa lớn trong việc quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La, đồng thời cũng tạo hiệu ứng tốt để quảng bá cho du lịch Sơn La, nhất là hoạt động trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê đã tạo sự liên kết hỗ trợ phát triển du lịch ở vùng trồng cà phê.
Không ít lễ hội trong mùa quả chín tại các huyện trong tỉnh đã được duy trì tổ chức gần đây, trở thành điểm nhấn ấn tượng trên hành trình du lịch khám phá miền đất Sơn La. Tiêu biểu như Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu duy trì từ năm 2014 đến nay, trở thành sự kiện văn hóa - du lịch thường niên của huyện. Trong 2 năm qua, huyện Mường La duy trì tổ chức Lễ hội hoa sơn tra, tạo nên sự kiện thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm du lịch “miền cổ tích” Ngọc Chiến. Ngoài ra, còn có “Lễ hội mùa vàng” tại huyện vùng cao Bắc Yên, Ngày hội trà Mộc Châu, Ngày hội cam (Phù Yên); Ngày hội cà phê (Mai Sơn)… đã và đang giúp quảng bá, tiêu thụ nông sản Sơn La và tạo hiệu ứng kép quảng bá du lịch của tỉnh.
Ngay tại Hà Nội, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng được thành phố quan tâm khi xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch. Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có sự quan tâm, đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình du lịch nông nghiệp tại phường Giang Biên, quận Long Biên. Trải nghiệm tour du lịch Giang Biên có 3 sản phẩm du lịch tại Khu nông trại - vườn rau sạch Giang Biên. Đó là chương trình tour “Một ngày làm nông dân”, tour “Học kỳ nông nghiệp”, tour “Sống xanh - sống lành”.
Các huyện ngoại thành của Hà Nội còn có nhiều mô hình khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hoa hồng, các loại rau màu của Mê Linh, các loại rau, ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), cây ăn trái như ổi, nho, táo, bưởi, cam ở huyện Hoài Đức…
Khách quốc tế hào hứng trải nghiệm hoạt động cấy lúa tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN
Các địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): Làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) khẳng định, mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Tạo sự liên kết với các ngành
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh tập trung xây dựng các loại hình snar phẩm du lịch đặc thù gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, hình thành các tour du lịch mới. Tổ chức các sự kiện giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm văn hoá và nhất là các sản vật là thế mạnh của địa phương để thu hút du khách. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng lượt khách du lịch đến với Sơn La đạt 5,2 triệu lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng”.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp thế mạnh được tỉnh ta định hướng cụ thể. Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026 đã đưa ra 4 nhóm chính sách, gồm: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Chính sách đã khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia phát triển du lịch, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp thế mạnh đã cho thấy hiệu quả bền vững. Đặc biệt là nông nghiệp xanh với các phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP càng là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Từ đó hình thành nên các sản phẩm du lịch sinh thái - trải nghiệm, thân thiện và bảo vệ môi trường, giúp du lịch Sơn La phát triển theo đúng định hướng “xanh và bền vững”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc đổi mới sáng tạo dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD): Hiện nay các dự án phát triển du lịch nông thôn đang được triển khai tại các địa phương với định hướng tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị thực hiện dự án về nông nghiệp, nông thôn cho thấy hiện đang rất vướng với những dự án có sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhất là xây dựng trên đất nông nghiệp. Một số địa phương có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, có hướng dẫn cụ thể như tại Đồng Tháp, Sơn La… những vướng mắc này cũng đang từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự vào cuộc đồng bộ hơn từ Trung ương tới địa phương.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch, quá trình triển khai, nhiều sản phẩm sao chép giống nhau giữa một số vùng miền gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng với đó, chưa đưa sinh kế và môi trường vào phát triển du lịch cộng đồng như ở một số điểm du lịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nhận định, tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng vào tham gia là một vấn đề đáng quan ngại đang gặp phải. Để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Nâng cao chất lượng các điểm lưu trú để du khách có nhiều trải nghiệm, tương tác với đời sống của người dân địa phương. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm.
“Trước hết cần ưu tiên thành lập hợp tác xã, trong đó có các tổ dịch vụ. Xây dựng các dòng sản phẩm dựa trên các sản phẩm bản địa đặc sắc, sau dùng sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ các homestay hoàn thiện quy chuẩn phát triển sinh kế. Cùng với đó là thiết lập mạng lưới kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm tạo sự tin tưởng trong quan hệ thương mại. Đào tạo cho những người nông dân biết cách truyền thông”, ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Cục Du lịch quốc gia), trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam.
Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Do đó, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các địa phương cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Các địa phương cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng.
Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.