Văn bản nêu rõ, năm 2023, các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, các ổ dịch xảy ra được phát hiện và dập tắt kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trong thời gian tới là rất lớn, nhất là các bệnh do vi rút gây ra, như: Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, bệnh dại…
Đặc biệt, ngày 30/12/2023, tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai xảy ra trường hợp chó cắn người gây thương tích nặng, gây bức xúc trong dư luận. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, năm 2023, số người phải đến cơ sở điều trị phơi nhiễm dại là 1.768 người.
Nhận định trong thời gian tới, các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao, trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo mục tiêu, hiệu quả theo Kế hoạch 426/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản tỉnh Lào Cai năm 2024. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh ở phạm vi hẹp, không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm khai báo dịch bệnh, bán chạy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn theo đúng quy định tại Luật Chăn nuôi; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 6496/UBND-NLN về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các biện pháp phòng, chống.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn, thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó nuôi ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm các quy định quản lý đàn chó nuôi. Thành lập, duy trì đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi...
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để dịch, bệnh dại lây lan và có người tử vong do bệnh dại xảy ra trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Tham mưu các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường chỉ đạo, quản lý kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tổ chức triển khai giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nội dung được phân công tại Kế hoạch 426/KH-UBND tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.