Từ Lào Cai xuôi cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xuống nút giao IC16, đi một đoạn Quốc lộ 297 thì rẽ vào xã Tân Thượng. Trục đường vào trung tâm xã men theo triền sông Hồng, qua những cánh đồng lúa xanh đang thì con gái và qua những xóm làng nằm thấp thoáng dưới vườn cây hồng ăn quả cổ thụ xanh mướt. Cảnh sắc đó khiến Tân Thượng mang vẻ đẹp trù phú của vùng đất ven sông.
Chúng tôi dừng chân ở thôn Tân Trúc, theo giới thiệu của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng thì đây là vùng đất cổ có truyền thống cách mạng. Và đến Tân Trúc, chúng tôi được gặp một người đặc biệt là ông Hoàng Tiến Xiêm (85 tuổi) - nguyên cán bộ xã Tân Thượng, người đã từng được về Thủ đô gặp Bác Hồ năm 1963, khi vừa mới 21 tuổi.
Vừa pha trà mời khách, ông Xiêm vừa thư thả kể chuyện: Trải qua bao biến cố của lịch sử, vùng đất Tân Thượng có nhiều sự thay đổi về tên gọi. Thời kỳ thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam, Tân Thượng gọi là vùng Chân Đăng, châu Văn Bàn, phủ Quy Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng Tân Thượng thuộc xã Tân An, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; năm 1976, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ban hành nghị quyết thành lập xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn và cái tên đó được giữ nguyên đến nay. Tân Thượng trước đây có 14 thôn, sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính thì còn 8 thôn.
Chỉ tay về phía những xóm làng nằm ven bãi bồi sông Hồng, ông Hoàng Tiến Xiêm nói: Vùng đất Tân Thượng có nhiều nét đặc biệt bởi nằm bên triền sông Hồng cùng với Cam Cọn (Bảo Yên), Sơn Hà (Bảo Thắng) là nơi định cư của người Việt cổ. Sau này, người Dao, người Nùng cũng đến đây sinh sống, trong đó phần lớn là người Dao họ. Người Dao họ ở Tân Thượng không chỉ có ý thức bảo tồn văn hóa, nếp sống của dân tộc mình mà còn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Còn nhớ khi chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, lớp lớp thanh niên hăng hái tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí từ bến sông Bảo Hà - Tân An vào Văn Bàn để chuyển lên Tây Bắc đánh Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy.
Đặc biệt, đầu năm 1963, khi đế quốc Mỹ cho máy bay chở biệt kích nhảy dù xuống phá hoại khu vực Yên Bái, Lào Cai, Nhân dân Tân Thượng, Tân An cùng bộ đội mai phục đón lõng địch từ Tân An đến xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn), bắt gọn nhiều tên địch đưa về Yên Bái để bộ đội chủ lực khai thác thông tin nhằm ứng phó với chiến dịch phá hoại miền Bắc của chúng.
“Tiếng là xã có nhiều lợi thế nhưng trước năm 2015, hạ tầng giao thông chưa phát triển, 7/8 thôn của xã vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có gần 900 hộ dân với hơn 4.300 khẩu thuộc 8 dân tộc anh em, chủ yếu là Dao, Thái, Mông, Nùng, Cao Lan… (người dân tộc thiểu số chiếm 78%) nên đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 25%. Bây giờ, diện mạo Tân Thượng đã và đang đổi thay từng ngày, nhất là từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, nút giao IC16 được xây dựng trên địa bàn xuống Khu du lịch tâm linh Bảo Hà - Tân An và về Văn Bàn, Bảo Yên đã góp phần “đánh thức” vùng đất Tân Thượng. Năm 2020, Tân Thượng đã “về đích” nông thôn mới và hiện đang hoàn thiện các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương bứt phá” - đồng chí Vũ Xuân Thủy nhấn mạnh.
Nói về định hướng phát triển của xã trong thời gian tới, đồng chí Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Thượng đã và đang chuẩn bị các điều kiện để bước vào giai đoạn phát triển mới. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, khi tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng trục dọc sông Hồng kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Tân An - Bảo Hà, nhất là khi hệ thống giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ, đường hàng không được hoàn thiện, Tân Thượng sẽ là mắt xích quan trọng - cầu nối giữa Bảo Thắng với Bảo Yên và Văn Bàn, rộng hơn là các tỉnh miền xuôi với Lào Cai và vùng Tây Bắc, giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
“Với Tân Thượng, mục tiêu chính bây giờ vẫn là về đích nông thôn mới nâng cao và quan trọng nhất là làm thế nào để tăng thu nhập cho người dân. Với bài toán này, chính quyền xã đã có át chủ bài, đó là phát triển diện tích cây hồng không hạt - một đặc sản của địa phương. Hiện toàn xã có hơn 110 ha cây hồng (gần 50 ha đang cho thu hoạch), dự kiến đến năm 2030 tăng diện tích lên 250 ha, đây sẽ là nguồn tăng thu nhập cho các hộ dân, bởi bình quân mỗi ha hồng một năm cho thu 250 triệu đồng” - đồng chí Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã, khẳng định.
Đi dọc Quốc lộ 279 từ nút giao IC16, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua thôn Ngầm Thỉn), hai bên đường là những nhà hàng, nhà nghỉ nhộn nhịp khách ra - vào, cho thấy ở đây đang hình thành một “tiểu đô thị” và trong tương lai không xa, khi bến xe khách cấp tỉnh trong quy hoạch được xây dựng tại khu vực này thì Tân Thượng sẽ có sức hút với các nhà đầu tư, phát triển mạnh mẽ.