LCĐT - Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA hiệu quả, tỉnh Lào Cai đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với các nhà tài trợ.
Lào Cai là một trong những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn ODA của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư 19 chương trình, dự án, trong đó có 8 chương trình, dự án ODA của các nhà tài trợ song phương và đa phương: WB, ADB, JICA, KOICA, KUOET; 11 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương trên địa bàn 8 huyện, thành phố, gồm: Chương trình Cơ sở hạ tầng nông thôn và du lịch tỉnh Lào Cai; Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2, khoản vay bổ sung (2015 - 2018); Dự án phát triển đô thị loại vừa - tiểu dự án thành phố Lào Cai (2012 - 2017); Giai đoạn bổ sung AF (2017 - 2020); Dự án phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (vốn vay ADB); Chương trình Hạnh phúc Lào Cai (vốn KOICA); Dự án phát triển nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu thiên tai vốn JICA; Dự án nâng cấp hạ tầng giao thông huyện Bắc Hà (vốn KUOET).
![]() |
Nhiều công trình hạ tầng ở Sa Pa được xây dựng từ nguồn vốn ODA. Ảnh: Ngọc Bằng |
Tổng vốn giao kế hoạch năm 2018 là 1.226 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 528 tỷ đồng, đạt 43%. Nếu tính số vốn kế hoạch của Dự án đường kết nối ga Phố Mới - ga Bảo Hà và Trung tâm Văn Bàn - Văn Yên sau khi điều chỉnh phân bổ cho các năm 2019 - 2020, tỷ lệ giải ngân năm 2018 đạt 78% kế hoạch.
Các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông, du lịch… Những dự án, công trình sử dụng vốn vay ODA đã góp phần xúc tiến các nguồn đầu tư trong và ngoài tỉnh, từng bước hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một trong những dự án điển hình có vai trò quan trọng chuẩn bị cho Sa Pa lên thị xã đang được các đơn vị thi công gấp rút là Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông - Tiểu Dự án đô thị Sa Pa, gồm 5 hợp phần: Hợp phần 1: Xây dựng, quản lý hệ thống xử lý nước thải Sa Pa (hệ thống thu gom và 2 nhà máy, tổng công suất 7.500 m3/ngày đêm); hợp phần 2: Nâng cấp Tỉnh lộ 152, đoạn từ thị trấn Sa Pa đi ngã ba Bản Dền (dài 14,3 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi); hợp phần 3: Xây dựng và nâng cấp hạ tầng đô thị Sa Pa; hợp phần 4: Cải thiện môi trường xanh đô thị Sa Pa; hợp phần 5: Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực. Dự án có tổng mức đầu tư 41,09 triệu USD, tương đương 894,3 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 34,06 triệu USD, vốn đối ứng 7,03 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2020.
Mục tiêu của dự án là cải thiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo cả nhu cầu trước mắt và lâu dài, không lạc hậu trong tương lai; xây dựng tổng thể kiến trúc, cảnh quan khang trang, sạch đẹp, hài hòa với cảnh quan chung, khớp nối đồng bộ với hạ tầng xung quanh, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và phục vụ phát triển du lịch. Hiện cả 5 hợp phần của Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông - Tiểu Dự án đô thị Sa Pa đã và đang được khẩn trương triển khai để hoàn thành trong năm 2020, đảm bảo tuân thủ tiến độ hiệp định vay.
![]() |
Dự án nâng cấp hạ tầng đô thị Sa Pa đang được gấp rút thực hiện. |
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, giao thông tại khu du lịch Sa Pa đã góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển du lịch.
Chương trình Hạnh phúc Lào Cai, nguồn vốn KOICA cũng được đánh giá là sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA. Chương trình được thực hiện trên địa bàn 28 xã thuộc 4 huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, gồm 3 hợp phần chính: Phát triển cộng đồng; nâng cao năng lực; quản lý dự án, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát đánh giá. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Hạnh phúc Lào Cai đã làm được 366 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn 28 xã này. Các tiểu hợp phần xây dựng 8 làng thí điểm, các hoạt động khác thuộc tiểu hợp phần y tế, giáo dục, quản trị công cũng cơ bản “về đích” đúng tiến độ, tác động tích cực đến đời sống của người dân, xã hội và môi trường; hỗ trợ liên kết thị trường; tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt người tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất.
Chương trình Hạnh phúc Lào Cai còn hỗ trợ các địa phương khó khăn của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng. Ông Đặng Đình Vi, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Vai (Mường Khương) cho biết: Nhờ được hưởng lợi từ tiểu hợp phần đường giao thông của Chương trình Hạnh phúc, xã Lùng Vai đã “về đích” nông thôn mới sớm hơn dự kiến (về đích năm 2016). Mô hình Làng mới Seamaul Undong được thực hiện tại 3 thôn trên địa bàn xã là Na Lang, Cốc Cái, Bồ Lũng với cách làm mới là phát huy nội lực, qua đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, giúp đồng bào các dân tộc nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Phí Công Hoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý ODA khẳng định: Hiện vẫn còn một số khó khăn, như hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến vốn vay ODA thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, vẫn còn một số khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc tiếp nhận và triển khai dự án ODA. Một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm trong thực hiện các dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài khiến dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, Lào Cai luôn được trung ương đánh giá cao bởi đảm bảo tốt các điều kiện đối ứng cam kết trong hiệp định, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng, đáp ứng tiến độ giải ngân dự án ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ; thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng bàn giao đúng thời hạn để các dự án ODA triển khai thực hiện theo kế hoạch.