Giáp tết Nguyên đán 2024 cũng là lúc xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) chìm trong cái rét căm căm của dịp đại hàn. Giữa màn mưa mỏng và cái lạnh len lỏi thấm buốt thịt da, những người nông dân ở chốn này vẫn chịu thương chịu khó, cần mẫn trên những cánh đồng hun hút gió đông để chăm sóc, thu hái rau màu. Những hối hả của ngày cuối năm ở dải đất này còn mang trong đó bao niềm vui khi xã được cộng nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điều đặc biệt, đây cũng là địa phương đầu tiên của huyện Bảo Thắng và tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025.
Năm 2023, không khí làm đường giao thông rộn ràng khắp những miền quê của Sơn Hải, bởi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để địa phương “về đích” với hơn 18 km đường được mở rộng. Ông Nguyễn Mạnh Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải khẳng định, nếu không có sự chung sức, đồng lòng của bà con thì sẽ không có thành quả đó. Minh chứng là bà con ở khắp các thôn đã đóng góp hơn 80.000 m2 đất, hơn 1,2 tỷ đồng, ủng hộ 2.200 ngày công để xây dựng các công trình mà phần lớn là mở rộng và kiên cố hóa các tuyến đường.
Đường về thôn Cánh Địa là một trong số đó. Tôi còn nhớ, cách đây hơn 1 năm có dịp về nơi này, khi ấy, con đường ghồ ghề, lổn nhổn đất đá với những gốc quế mới bị chặt bỏ, nhựa vẫn chưa kết vảy, để nhường chỗ cho đường lớn thành hình. Hôm nay, trên nền đất đá ấy là một con đường với mặt đường rộng gấp đôi từ 3 m lên 6 m, xe bon bon chạy mà không còn lo tìm chỗ tránh. Con đường bê tông trắng phau, uốn quanh co bên những vạt quế xanh tốt, nối những chòm xóm lại gần nhau, chia niềm vui đến mọi ngả và giúp bà con nơi đây tin rằng quê hương đang đổi thay, cuộc sống ngày càng sáng tươi.
Căn nhà của Trưởng thôn Đỗ Văn Nghiệp nằm trên tuyến đường mới, với vườn cây bao bọc xung quanh. Trong trí nhớ của người gắn bó cả đời với vùng quê Cánh Địa như ông, tuyến đường là ước mơ, là khao khát dài lâu của biết bao thế hệ. Con đường nhỏ trước kia đi lại vất vả khiến nông sản bà con làm ra bị ép giá, đến mùa thu hoạch nơm nớp lo mưa lớn không vận chuyển được. Bản thân ông Nghiệp cũng từng rơi vào tình cảnh bị ốm nặng, xe không đi được, người thân, người quen phải khiêng võng đưa ông đến bệnh viện chữa trị.
Sự cống hiến mà ông Nghiệp nhắc đến ở đây là hơn 36.000 m2 đất đã được các hộ hiến để đường lớn băng qua, là hơn 640 triệu đồng người dân đóng góp để hiện thực tuyến đường hằng mong ước.
Cánh Địa - cái tên mà bà con nơi đây cho rằng nó xuất phát từ địa thế của vùng đất trông như bãi nhô của sông Hồng. Trên vòm nhô ấy, bà con quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng đất, tất bật với mùa vụ xoay vòng. Không còn những ngày gian khó, nhìn đâu cũng chỉ thấy nương sắn, nương ngô mà loay hoay, khát khao tìm hướng thoát nghèo, đồng bào nơi đây đang nỗ lực dựng xây cuộc sống ấm no. Sự vươn lên của bà con được thể hiện khi hiện nay thôn có 172 hộ, trong đó 2/3 hộ tham gia chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1.000 con/lứa, mỗi năm duy trì 2 - 3 lứa. Đây cũng là vùng trồng quế lớn nhất xã Sơn Hải với hơn 80 ha đang cho thu hoạch và hơn 4 ha cây ăn quả tươi tốt hứa hẹn những mùa bội thu.
Dù “về đích” xã nông thôn mới vào năm 2015 và nay là xã nông thôn mới nâng cao thì chủ trương của Đảng ủy xã Sơn Hải vẫn giữ nguyên khi xác định đó là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và mục đích sau cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi vậy, cùng với việc đầu tư hạ tầng thì xã đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập, khai thác các tiềm năng của địa phương trong lĩnh vực kinh tế.
Những cánh đồng Đồng Tâm, Cố Hải, quanh năm bà con không cho đất nghỉ, với 2 vụ lúa và 1 vụ rau màu được gieo trồng. Những đồi sắn, đồi tạp khi xưa giờ được ken kín bằng 350 ha quế. Sơn Hải còn được biết đến với thế mạnh về chăn nuôi với 64 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Mừng vui hơn khi xã có 183 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Hộ anh Nguyễn Vũ Toàn, thôn Cố Hải được đánh giá là mô hình triển vọng ở địa phương với hướng sản xuất gà giống. Trang trại của gia đình anh hiện chăm sóc hơn 6.000 con gà bố mẹ thuộc giống gà đen, gà lai hồ. Anh Toàn nhẩm tính, hướng phát triển kinh tế này mang lại nguồn thu chừng 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, lại thêm lợi thế giao thông thuận lợi, anh càng thêm tin tưởng vào hướng đi này.
Gia đình chị Trần Thị Tươi, thôn Cố Hải lại chọn hướng đi về bán các loại giống hoa. Cận tết, sân vườn nhà chị rực trong sắc màu sáng tươi của 300 chậu cúc mâm xôi, quanh vườn là khoảng 1.000 gốc hồng các loại. Ngoài ra, gia đình chị đang chăm sóc 2 ha xoan, quế. Dù là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền nhưng chị vẫn luôn chăm chỉ, vươn lên.
Lắng nghe tâm sự của bà con, đi thăm những miền quê trù phù, chúng tôi nhận thấy niềm vui lan tỏa trong mỗi nụ cười và khao khát vươn lên được gửi gắm trong những câu chuyện về ngày mai. Niềm vui “về đích” xã nông thôn mới nâng cao đến vào dịp cuối năm 2023 như “gọi” mùa xuân đến sớm ở miền quê thanh bình Sơn Hải. Không chỉ là sự hân hoan, mừng vui và tự hào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc nơi đây tiếp tục ra sức thi đua để giữ vững thành quả và nối dài những niềm vui, mà đích đến gần nhất là đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.