Sáng 12/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 và chào đón hơn 2.300 tân sinh viên các lớp đại học chính quy khóa 44.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương, đánh giá cao những thành tích Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong năm học vừa qua. Ông cũng chúc mừng hơn 2.300 tân sinh viên khóa 44 khi vượt qua kỳ xét tuyển để học tập tại học viện.
Ông Nghĩa mong rằng tập thể thầy cô, sinh viên phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt, hướng tới xây dựng học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.
Năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, ông Nghĩa mong Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện tốt một số nội dung.
Thứ nhất, là một trường Đảng, học viện cần đặt mục tiêu trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng trong cơ sở giáo dục đại học. Phát huy mạnh mẽ vai trò của cấp uỷ, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, mục tiêu phát triển của học viện.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo các ngành, các lĩnh vực thế mạnh. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để tạo sức hút đối với các chương trình đào tạo giảng viên lý luận chính trị và công tác xây dựng Đảng. Học viện cần chú trọng thu hút học sinh giỏi theo học các ngành này.
Cùng đó, học viện nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Đẩy mạnh học qua tìm tòi, khám phá, nghiên cứu. Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, học viện cần coi trọng phát triển tư duy phản biện khoa học, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo.
Thứ ba, học viện cần đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, coi đây là giải pháp then chốt để trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của cả nước. Có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các nhà khoa học, nhất là các giảng viên trẻ có công bố quốc tế.
Thứ tư, học viện cần tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới toàn diện nội dung, chương trình đào tạo, bảo đảm đúng chủ trương, quy định của Đảng và chính sách của Nhà nước, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, học viện cần đặc biệt coi trọng bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
“Sinh viên, học viên báo chí, xuất bản, truyền thông cần được đào tạo, bồi dưỡng để có khả năng tác nghiệp thành thạo trên không gian số; có kĩ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ hỗ trợ trong khai thác nội dung, phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng, xác minh tin tức và phát hiện tin giả, tạo ra trải nghiệm đa phương tiện mới; có bản lĩnh và tư duy phản biện, là người chính trực và có đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ những giá trị cốt lõi của báo chí trước tác động tiêu cực đến từ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, học viện cần đẩy mạnh và coi tự chủ đại học là giải pháp đột phá để phát triển. Tăng cường thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đổi mới quản trị Học viện theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, coi đây là cơ hội để nâng tầm và tạo ra những giá trị, cách làm mới, khâu đột phá về hiệu quả và chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản trị,...
Nhắn nhủ đến các tân sinh viên, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, vượt qua kỳ xét tuyển đã là một nỗ lực rất lớn, nhưng để vượt qua 4 năm học và nhận được tấm bằng đại học càng cần nỗ lực nhiều hơn.
“Sự cần cù, chịu khó trong học tập và rèn luyện của mỗi sinh viên là quan trọng, nhưng chưa đủ, mà cần có phương pháp học tập khoa học mới để đạt kết quả tối ưu. Trước hết, các em cần nhanh chóng chuyển từ phương pháp học phổ thông đến tiếp cận và vận dụng phương pháp học tập ở bậc đại học. Các em hãy coi khó khăn, trở ngại là một trải nghiệm thử thách, là quá trình để trưởng thành. Có thể còn nhiều điều bỡ ngỡ và đâu đó có những điều lôi kéo, cám dỗ, các em hãy bản lĩnh để vượt qua,... Các em là công dân thời đại kỹ thuật số, tôi mong các em đủ tinh tế, thông minh, dần làm chủ các tiện ích, trau dồi tri thức, mở rộng nhãn quan để sau này phụng sự đất nước”, ông Sơn chia sẻ.