Các dữ liệu chỉ ra rằng cả 5 biến thể Alpha, Beta, Delta, Gamma và Omicron đều có khả năng kháng cự tốt hơn với hệ miễn dịch bẩm sinh của con người so với virus chủng gốc.
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đây được coi là một phát hiện quan trọng, vừa thúc đẩy tiếp tục nghiên cứu sâu về loại virus còn nhiều bí ẩn này, vừa mở ra một hướng mới để tìm được phương thức điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Ngay từ khi virus SARS-CoV-2 được thông báo xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Mario Santiago và Eric Poeschla tại Đại học Colorado đã tập trung theo dõi cách các virus gốc và các biến thể phản ứng với các interferon.
Nguy cơ tử vong tăng cao nếu nhiễm đồng thời virus SARS-CoV-2 và cúm
Đây là loại protein được tế bào người sản sinh nhằm ngăn chặn virus phát triển trong cơ thể, một phần quan trọng trong phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người và có vai trò như lớp phòng thủ tuyến đầu khi cơ thể nhiễm virus.
Trong nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo về Các bệnh truyền nhiễm hồi tháng Hai, các nhà nghiên cứu đã so sánh cách phản ứng của 17 interferon khác nhau trong cơ thể người với virus chủng gốc và 5 biến thể của virus gồm Alpha, Beta, Delta, Gamma và Omicron.
Các dữ liệu chỉ ra rằng cả 5 biến thể đều có khả năng kháng cự tốt hơn với interferon so với virus chủng gốc.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng để ngăn chặn các biến thể mới cần nhiều interferon hơn việc ngăn chặn virus chủng gốc.
Ví dụ, khả năng ngăn chặn biến thể Alpha của các interferon thấp hơn 100 lần so với khả năng ngăn chặn virus chủng gốc.
Theo chuyên gia Santiago, những dữ liệu trên cho thấy khả năng lấn át hệ miễn dịch bẩm sinh có thể là động cơ tiến hóa chính của virus SARS-CoV-2.
Điều gây quan ngại nhất ngay lúc này là có thể xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm hơn nếu virus đã học được các cách thức để đánh bại hệ miễn dịch của con người.
Chuyên gia Poescha nhấn mạnh việc hiểu được virus thích ứng ra sao với hệ miễn dịch bẩm sinh của con người là điều rất quan trọng vì đây là loại virus mới xuất hiện và vẫn đang biến đổi để thích nghi.
Những thông tin về khả năng kháng cự các interferon của virus SARS-CoV-2 được cho là rất hữu ích.
Hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ được kích hoạt khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi cơ thể nhiễm virus.
Trong các thí nghiệm, khi các nhà khoa học vô hiệu hóa các interferon ở vật thí nghiệm, cơ thể vật thí nghiệm sẽ trở nên yếu hơn trước sự tấn công của mầm bệnh và có tải lượng virus cao hơn.
Điều tương tự sẽ xảy ra khi hệ miễn dịch bẩm sinh của con người có khuyết điểm.
Điều này đồng nghĩa rằng nếu các biến thể né miễn dịch bẩm sinh tốt hơn thì xu hướng sao chép bên trong tế bào ngay từ những giây đầu tiên virus xâm nhập cũng cao hơn, từ đó tác động tới khả năng lây lan và tiến triển bệnh.
Do đó, các chuyên gia kỳ vọng nếu có thể hạn chế sớm quá trình sao chép dựa trên hệ thống interferon thì có khả năng bệnh sẽ nhẹ hơn.
Chuyên gia Peschla cho biết trong giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ nghiên cứu về các cơ chế giúp interferon ngăn chặn virus sao chép trong cơ thể, từ đó mở ra cơ hội phát triển một loại thuốc mới tập trung vào những cơ chế này để điều trị bệnh hiệu quả hơn.