Dự lễ mít tinh có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; TS. BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Hơn 60% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán
Theo Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới (IDF), ước tính hiện nay có khoảng trên 537 triệu người trưởng thành (độ tuổi 20 - 79) mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng 10,5% dân số. Trong đó, có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường, 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán trên thế giới (gần 90% người mắc bệnh không được chẩn đoán nói trên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình).
Theo các nhà khoa học nếu phát hiện sớm, kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt có thể giảm được từ trên 30% đến 80% các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đái tháo đường có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (năm 2002) cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%; sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất (năm 2020) cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%.
Trong đó, các số liệu đáng quan tâm đó là tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để ứng phó với tình trạng trên, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt bằng các chính sách và nguồn lực lớn nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Hệ thống phòng, chống bệnh đái tháo đường đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ gia tăng của bệnh đái tháo đường toàn quốc, giai đoạn 2020 - 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017. Việt Nam đã nỗ lực giảm thiểu được tỷ lệ gia tăng bệnh ở mức thấp hơn so với tỷ lệ bệnh trung bình của khu vực và thế giới.
Tình trạng thiếu i-ốt đã có dấu hiệu quay trở lại
Để động viên toàn dân chung tay thực hiện việc phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, một vấn đề ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của toàn cộng đồng giai đoạn cách đây 30 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 481/TTg ngày 8/9/1994 vận động toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt và lấy ngày 2/11 hằng năm là ngày Toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt.
Năm 2005, nước ta đã thanh toán thành công tình trạng các rối loạn do thiếu i-ốt với tỷ lệ bao phủ muối i-ốt trong dân cư đạt trên 90%, tỷ lệ bướu cổ trẻ em giảm còn dưới 3,6% và mức i-ốt niệu trung vị đạt trên 100 mcg/l.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác, tình trạng thiếu i-ốt đã có dấu hiệu quay trở lại Việt Nam.
Theo số liệu “Đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng ở Việt Nam năm 2019-2020” của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, giá trị trung vị i-ốt niệu các nhóm đối tượng nghiên cứu đều không đạt mức khuyến cáo của WHO (năm 2013): ở trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l (mức khuyến cáo là 100 - 199 mcg/l), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l (mức khuyến cáo là 100 - 199 mcg/l), phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo là 150 - 249 mcg/l); mức trung vị i-ốt niệu của trẻ em toàn quốc (113,3 mcg/l) đạt nhưng ở mức cận dưới (mức khuyến cáo 100 - 199 mcg/l). Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân được bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 27%, cách rất xa mức chuẩn theo WHO (năm 2013) là 90%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi toàn dân “Hãy mua và sử dụng muối, các gia vị mặn có I-ốt trong bữa ăn hằng ngày để phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra”.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phòng, chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu i-ốt
Từ các hoạt động rời rạc phân mảng theo chuyên môn riêng lẻ của các đơn vị y tế trong tỉnh, đến nay, công tác phòng, chống bệnh đái tháo đường đã từng bước được triển khai đồng bộ.
Năm 2010, Dự án phòng, chống bệnh đái tháo đường được triển tại 9/102 xã, phường, thị trấn, với trên 500 người mắc bệnh đái tháo đường (4,5%) và tiền đái tháo đường (9,0%). Đến nay, đã có 134/134 trạm y tế, 18 phòng khám đa khoa khu vực quản lý bệnh đái tháo đường. Toàn tỉnh tổ chức quản lý, điều trị cho 13.690 người bệnh mắc đái tháo đường (chiếm 5,4%); mỗi năm tổ chức khám sàng lọc cho gần 20.000 người có nguy cơ, phát hiện gần 700 người mắc đái tháo đường.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi sự ủng hộ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các đơn vị y tế trong và ngoài công lập, toàn thể cộng đồng quan tâm hơn nữa, hỗ trợ hơn nữa, cùng chung sức đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu i-ốt tại Lào Cai.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành y tế cùng các đơn vị y tế trong toàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, triển khai tích cực các giải pháp cụ thể để hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu i-ốt hoàn thành các mục tiêu đề ra.