Đứng đầu về chỉ số Tính năng động của chính quyền địa phương
So với PCI 2021, cả điểm số và thứ hạng của Lào Cai đều được cải thiện (năm 2021 đạt 64,93 điểm, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố).
Trong đó, 6/10 chỉ số thành phần của PCI Lào Cai 2022 thăng hạng như: Chi phí gia nhập thị trường đạt 7,37 điểm (năm 2021 là 6,88 điểm); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất 7,62 điểm (năm 2021 là 7,23 điểm); Tính minh bạch 6,67 (năm 2021 là 6,16 điểm); Chi phí thời gian 7,68 điểm (năm 2021 là 7,54 điểm); Tính năng động của chính quyền địa phương 7,66 điểm (năm 2021 là 6,48 điểm); Đào tạo lao động 5,7 điểm (năm 2021 là 5,19 điểm).
Đáng chú ý, chỉ số thành phần Tính năng động của chính quyền địa phương của tỉnh Lào Cai đứng thứ nhất cả nước. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vị trí của các địa phương trong bảng xếp hạng chung có sự tương đồng nhất định với bảng xếp hạng về tính năng động và tiên phong.
Điều đó không đồng nghĩa tính năng động và tiên phong của lãnh đạo quyết định trực tiếp và toàn diện năng lực cạnh tranh của một địa phương. Tuy nhiên, chắc chắn sự tăng bậc của chỉ số này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao PCI tổng hợp của Lào Cai.
Tính tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh Lào Cai không chỉ thể hiện ở việc chỉ đạo xây dựng khung pháp lý và chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, mà còn ở việc thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Các chỉ số khác cũng có thứ hạng cao như chỉ số Tính minh bạch đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đứng thứ 6/63; chỉ số Chi phí gia nhập thị trường đứng thứ 8/63.
Trong báo cáo PCI năm 2022 được công bố năm nay, lần đầu tiên VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. Lào Cai xếp thứ 10 với 16,17 điểm.
Đây cũng là kết quả tốt bởi Lào Cai có khu công nghiệp luyện kim, hóa chất vào loại lớn nhất cả nước với các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao. Việc xếp hạng PCI ở nửa trên bảng xếp hạng cho thấy sự quyết liệt của tỉnh trong kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp cũng như quan điểm xuyên suốt “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, ít tác động xấu đến môi trường, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu...
Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: Tham dự Lễ công bố PCI 2022, chúng tôi tự hào khi Lào Cai có những chỉ số xếp hạng khá cao, đặc biệt là chỉ số Tính năng động của chính quyền địa phương đứng đầu cả nước.
Đây là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Những chỉ số cần cải thiện
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh một số cán bộ các sở, ngành khi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, ngành khác hoặc trả lời chung chung khiến doanh nghiệp phải làm hồ sơ trình lên, trình xuống nhiều lần.
Điều này phần nào được thể hiện trong một số chỉ số thành phần của PCI Lào Cai 2022 giảm điểm như: Chi phí không chính thức đạt 7,49 điểm, giảm 0,42 điểm (năm 2021 là 7,91 điểm); Cạnh tranh bình đẳng 5,78 điểm, giảm 1,97 điểm (năm 2021 là 7,75 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 5,09 điểm, giảm 1,1 điểm (năm 2021 là 619 điểm); Thiết chế pháp lý 7,87 điểm, giảm 0,16 điểm (năm 2021 là 8,03 điểm).
Theo các chuyên gia của VCCI, gốc rễ của cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Để làm được điều này, chính quyền các cấp cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đó là làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ, công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh chất lượng thực thi pháp luật ở cấp cơ sở rất quan trọng. Sự khác biệt về PCI của các địa phương không nằm ở việc ban hành chính sách hay những khẩu hiệu mà cần thúc đẩy chất lượng thực thi pháp luật của bộ máy bên dưới.
Người dân, doanh nghiệp sẽ cảm nhận được sự cải cách từ những hành vi cụ thể của các công chức, chứ không dựa vào quy định trong văn bản, các hội nghị.
Có một chỉ số nữa mà Lào Cai cũng đứng khá thấp là Cơ sở hạ tầng, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Dù là chỉ số độc lập với PCI, chỉ số Cơ sở hạ tầng có cách tiếp cận tương tự PCI khi kết hợp khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp về các loại hạ tầng cơ bản, gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đường bộ, hạ tầng điện năng, hạ tầng viễn thông và các loại hạ tầng khác.
Điều này cho thấy dù được xác định là 1 trong 2 lĩnh vực đột phá và đã được tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư, tuy nhiên kết cầu hạ tầng của Lào Cai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết thêm: Một địa phương có điểm số PCI cao hơn phản ánh chất lượng điều hành kinh tế tốt hơn, với mục tiêu tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Để nâng cao PCI không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh mà còn cần sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương vì lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết sở, ngành, lĩnh vực và chính quyền cơ sở.
Để nâng cao PCI không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh mà còn cần sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương vì lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết sở, ngành, lĩnh vực và chính quyền cơ sở.
Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối trong phối hợp với các sở, ngành, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đóng góp vào cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền địa phương; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.