LCĐT - Là tỉnh quan tâm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động điều hành, chỉ đạo, Lào Cai đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Tuy nhiên, để việc xây dựng, phát triển trên môi trường mạng được đồng bộ, an toàn đang đặt ra không ít khó khăn.
Cán bộ, công chức phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.
Huyện vùng cao Bắc Hà hiện có 100% xã, thị trấn có mạng LAN và mạng internet đến trung tâm xã; 100% phòng, ban chuyên môn của huyện có hệ thống mạng LAN, mạng internet. Huyện cũng đã triển khai thành công phần mềm hội nghị trực tuyến tới các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, đảm bảo 100% hồ sơ, chứng từ được thực hiện trên môi trường mạng. Các ngành trên địa bàn huyện đã đưa vào sử dụng hiệu quả 12 phần mềm quản lý chuyên ngành như phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm đánh giá công chức, phần mềm kiểm định chất lượng, cơ sở dữ liệu ngành…
Để có được sự đảm bảo hoạt động trên môi trường mạng, trong thời gian qua, huyện Bắc Hà đã đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc bố trí nhân lực duy trì hoạt động của hệ thống mạng LAN, mạng internet trên địa bàn huyện chưa đồng bộ.
Anh Lê Trung Nghĩa, cán bộ chuyên trách đảm bảo an ninh, an toàn thông tin tại huyện Bắc Hà cho biết: Huyện có một hệ thống hoạt động trên môi trường mạng rất lớn từ huyện đến xã nhưng lại chỉ có 1 người chuyên trách công việc đảm bảo duy trì hoạt động an toàn thông tin, an ninh mạng, do đó rất vất vả mà không thể bao quát hết được. Tôi chỉ có thể đảm bảo cho hệ thống mạng, các máy vi tính của cơ quan, ban, ngành ở huyện hoạt động ổn định là đã quá sức.
Tại nhiều xã vùng cao của huyện Bắc Hà, vì chưa được nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều máy tính đã xuống cấp, hỏng, hệ thống mạng LAN không còn sử dụng tốt. Hiện nay, huyện có khoảng 40% hệ thống mạng LAN của các cơ quan, đơn vị không còn hoạt động.
Huyện Bắc Hà tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ cơ sở.
Theo nhận định của Sở Thông tin và Truyền thông, không chỉ huyện Bắc Hà mà tại các huyện, thị xã, thành phố khác cũng đang rất khó khăn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là chưa có nhiều chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực an toàn thông tin. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều máy tính, thiết bị kết nối mạng internet, thiết bị thông minh chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, như sử dụng phần mềm sao chép, không có bản quyền. Việc sử dụng phần mềm không chính thống sẽ dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu, thông tin cá nhân. Các cơ quan nhà nước luôn bị tin tặc coi là mục tiêu tấn công APT, DOS/DDOS… nhằm chiếm các tài liệu, dữ liệu quan trọng.
Cũng theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2020 có 197 lượt sự cố và tấn công, mã hóa, phá hoại hệ thống trên môi trường mạng trong tỉnh, trong đó nhiều nhất là các sự cố tấn công sử dụng mã độc với 26 lượt, tấn công tổng hợp sử dụng kết hợp nhiều hình thức với 65 lượt… Bên cạnh đó có nhiều hình thức tấn công khác vào các cơ quan nhà nước, như truy cập trái phép, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, phá hoại thông tin, dữ liệu và phần mềm, nghe trộm, gián điệp, lấy cắp thông tin và dữ liệu… Trước những đợt tấn công mạng nguy hiểm, các đơn vị chức năng của tỉnh đã kịp thời xử lý, giữ vững an ninh, an toàn thông tin, không gây tổn hại và tổn thất nặng.
Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Lào Cai trong thời gian gần đây luôn là tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh đứng đầu về sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và xếp hạng khá trong các tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn thông tin. Lào Cai luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, đặc biệt là chính quyền điện tử, đô thị thông minh, sở đang tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, đơn vị, địa phương còn yếu và chưa được đầu tư. Trong đó, đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các máy chủ, máy tính cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức và các hệ thống thông tin về Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh và kết nối về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để có các giải pháp kịp thời trong cảnh báo, ứng cứu các sự cố mất an toàn thông tin. Tiếp tục đánh giá, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin theo quy định cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; duy trì chính sách đãi ngộ đối với người làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc cho tỉnh…
Hiện nay, Lào Cai đã và đang thử nghiệm xây dựng đô thị thông minh, do đó việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng đang rất được coi trọng. Hy vọng với nhiều giải pháp an toàn thông tin được triển khai đồng bộ trong thời gian tới sẽ mang lại thêm nhiều tiện ích cho dịch vụ công, quản lý đô thị và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…