Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); Dân số là 2.763.120 người (tính đến ngày 1/4/2024) theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 06 cả nước.

Vị trí địa lý
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai.
Bình Dương vùng đất tôi yêu
Nơi đây chứa đựng bao điều thiết tha
Từ trẻ nhỏ, đến cụ già
Ai ai cũng biết dân ca, câu hò
Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên
Thuận An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giao
Những mảnh đất của hôm nào
Tạo nên vùng đất ngọt ngào Bình Dương
Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam bộ, đồng thời Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Đến tháng 11/2024, tỉnh Bình Dương có 05 thành phố (gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 04 huyện (gồm các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).

Lịch sử hình thành và phát triển
Trải qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, vùng đất Bình Dương ngày nay đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau trong thời kỳ chiến tranh, nhằm đáp ứng việc chỉ đạo chiến lược từng giai đoạn lịch sử. Vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương nhiều lần sáp nhập, tách ra với những tên gọi khác nhau, nhưng vẫn là một chiến trường thống nhất trên hướng chiến lược quan trọng ở phía bắc Sài Gòn.
Trước năm 1975
Tiến trình nhập cư của người Việt diễn ra liên tục suốt thế kỷ thứ XVII. Để chính thức hóa một tình hình thực tế về dân cư và hành chính, mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam, xác lập cương thổ, xây dựng thiết chế hành chính lập Phủ Gia định gồm hai huyện Phước Long với dinh Trấn Biên (gồm toàn bộ miền Đông Nam Bộ ngày nay) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn (gồm Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An ... ngày nay). Đây là đơn vị hành chính được xác lập đầu tiên trên vùng đất mới khai khẩn của người Việt ở Phương Nam.
Dưới triều nhà Nguyễn, vùng đất Bình Dương thuộc tổng Bình An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Gia Long, tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An, có hai tổng là An Thủy và Phước Chánh, bao gồm các vùng đất: Bến Cát, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Lái Thiêu và một phần đất của huyện Ngãi An (Thủ Đức ngày nay); huyện lỵ đặt tại Phú Cường.
Đến năm thứ hai đời vua Minh Mạng, huyện Bình An phân ra làm 4 tổng, gồm: Bình Chánh Thượng, Bình Chánh Hạ, Bình Chánh Trung và Bình Chánh Tây. Đời vua Minh Mạng thứ 18, lại trích tổng An Thủy và Bình Chánh Hạ đặt thành huyện Ngãi An (huyện Thủ Đức ngày nay). Còn lại 3 tổng cùng có tên là Bình Chánh thì đổi thành Bình Chánh, Bình Điền và Bình Thổ. Tổng Thủ An Lợi vẫn giữ như cũ và lấy thêm 10 sách man (10 làng của người thiểu số) gộp vào lập ra 2 tổng là: Cửu An và Quảng Lợi.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Từ năm 1808 đến năm 1837, huyện Bình An chia làm 10 tổng là: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy. Từ năm 1837 về sau, 4 tổng bắt đầu từ chữ An được tách ra thành lập huyện Ngãi An.
Tổng Bình Điền nêu trên là một tổng mới của huyện Bình An. Tổng mới này lập ra để thay thế tổng Bình Chánh Trung, trước đó có địa bàn gần như toàn bộ vị trí của thị xã Thủ Dầu Một hiện nay.
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa. Ngày 5/1/1876, đô đốc Đuyperê (Duperré), tổng lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ, ra nghị định phân chia toàn bộ Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (Circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính lớn lại được chia nhỏ thành nhiều tiểu khu hành chính (Arrondissement administratif). Trong đó, khu vực Sài Gòn gồm 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định (ngoại vi Sài Gòn).
Đến ngày 20/12/1899, đổi tiểu khu (Arrondissment) thành tỉnh (Province), tiểu khu Thủ Dầu Một lúc đó thành tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh Thủ Dầu Một trong thời gian này có 12 tổng và 8 làng của người Việt ở xen kẽ trong các tổng của người dân tộc ít người. Có 6 tổng hoàn toàn của người Việt: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, Bình Thạnh Thượng (khu vực Dầu Tiếng). Còn 6 tổng khác đa số là dân tộc ít người: Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi (An Lộc), Phước Lễ, Quảng Lợi, Thạnh An và 8 làng của người Việt nằm xen kẽ trong các tổng người dân tộc ít người là Mỹ Thạnh, Tân Khai, Tân Lập, Tân Quan, Tân Phú, Tân Thanh, Thanh Phú, Thanh Sơn. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến khi quân Pháp chịu thua ở Việt Nam phải ký hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Đến khi Mỹ - Ngụy thay chân Pháp, theo sắc lệnh số 143/NV ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn chia Thủ Dầu Một ra thành hai tỉnh Bình Dương, Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long.
Năm 1959, địch cắt một phần đất của tỉnh Biên Hòa và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành, nhưng đến năm 1965, chúng giải thể tỉnh này.
Về phía cách mạng, từ năm 1945 - 1975 địa giới hành chính của Thủ Dầu Một (Bình Dương) có những lần thay đổi như sau:
Tháng 5/1951, do yêu cầu thống nhất chỉ đạo chiến trường, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên.
Tháng 1/1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Thủ Dầu Một lúc đó gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và các đồn điền cao su: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh với tổng số 65 xã và hơn 30 làng công nhân cao su.
Tháng 9 năm 1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên lần thứ hai.
Tháng 6/1961, Xứ ủy lại tách Thủ Biên thành 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập thêm 3 tỉnh mới: Phước Thành, Bình Long, Phước Long theo địa bàn hành chính của ngụy quyền Sài Gòn. Tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng.
Tháng 10/1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, thành lập 5 phân khu thành 5 mũi tiến công vào Sài Gòn và Phân khu 6 nội đô Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Thủ Dầu Một lúc bấy giờ thuộc phân khu 5 gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 (Bù Cháp, Lý Lịch), Châu Thành, Lái Thiêu, Bắc Thủ Đức, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một. (Bến Cát và Dầu Tiếng thuộc phân khu I).
Tháng 5/1971, Phân khu 5 giải thể rồi thành lập phân khu Thủ Biên. Thực hiện chỉ thị 08/CT ngày 30/8/1972 của Thường vụ Trung ương cục, Khu ủy miền Đông được thành lập lại, giải thể các phân khu, thành lập lại các tỉnh. Tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập vào tháng 10/1972.
Tháng 10/1973, Trung ương Cục quyết định tách các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 của Thủ Dầu Một (gồm 2 xã Bù Cháp và Lý Lịch); các xã phía nam và đông nam của Phước Long; Định Quán, Độc Lập của Biên Hòa để thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú. Đến cuối năm 1974, Phú Giáo và Tân Uyên lại trả về Thủ Dầu Một. Như vậy, đến đầu năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một gồm các huyện thị: Bến Cát (nam, bắc Bến Cát), Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên, Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Thủ Dầu Một.

Sau năm 1975
Ngày 02/7/1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - chính trị - quốc phòng..., Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé, chia thành 8 huyện (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An) và thị xã (Thủ Dầu Một) gồm 141 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một.
Ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương như hiện nay. Tháng 12/1996, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 quyết định chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là một sự kiện đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để Bình Dương bước sang một trang sử mới, tạo tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, đưa tỉnh trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Bằng những chính sách phù hợp, đến tháng 10/2024, Bình Dương đã thu hút được hàng nghìn dự án đầu tư nước ngoài, với hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước. Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là thành phố mới Bình Dương với điểm nhấn là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/02/2014.
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
