Đột phá phát triển từ hạ tầng giao thông kết nối

Bình Dương xác định phát triển hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược, trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng được Bình Dương đầu tư xây dựng kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương có nhà ga trung tâm kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP.Hồ Chí Minh để tăng tính kết nối. Trong ảnh: Phối cảnh Vòng xoay A1.
Vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương có nhà ga trung tâm kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP.Hồ Chí Minh để tăng tính kết nối. Trong ảnh: Phối cảnh Vòng xoay A1.

Phát triển đường sắt kết nối

Những năm qua, Bình Dương chú trọng đầu tư và quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông, như mở rộng các tuyến đường chủ lực kết nối đến khu kinh tế trọng điểm, liên kết các khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm logistics nhằm tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực. Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra các phương án để xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông. Trong đó, đối với đường sắt quốc gia, Bình Dương thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu bổ sung xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây nguyên với tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh. Đối với tuyến đường sắt đô thị, Bình Dương nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến, như tuyến số 1 từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên; tuyến số 1B từ Tân Đông Hiệp qua ga An Bình đến ngã tư Gò Dưa, TP.Hồ Chí Minh; tuyến số 2 từ TP.Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh; tuyến số 3 đoạn từ TP.Tân Uyên đến ngã tư Gò Dưa, TP.Hồ Chí Minh…

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề), HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Đề án huy động nguồn lực thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết tuyến đường sắt đô thị số 1 phù hợp với quan điểm phát triển đường sắt trong điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông; gắn kết phát triển giao thông vận tải đường sắt với phát triển đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải và hệ thống đường sắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Theo đó, dự án có điểm đầu tại ga SI - ga Trung tâm Thành phố mới Bình Dương (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một), điểm cuối tại ga bến xe Suối Tiên (tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh, phường Bình Thắng, TP.Dĩ An). Tuyến chính có chiều dài 32,43km, đi qua 4 thành phố Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An; tốc độ thiết kế 120km/h; dự kiến có 19 nhà ga và 1 đề pô tại phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên. Hướng tuyến đi trên cao từ ga Trung tâm Thành phố mới Bình Dương (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh) theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX.01, đi theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng đến ga Suối Tiên. Tuyến kết nối Thành phố mới Bình Dương, TP.Thuận An, TP.Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên - Bến Thành) của TP.Hồ Chí Minh tạo thành tuyến đường sắt đô thị của vùng (Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên - Bến Thành).

Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn tuyến dự án, đối với phương án 1 khoảng 64.370 tỷ đồng; trong đó dự kiến vốn ngân sách tỉnh là 28.109 tỷ đồng, vốn khai thác mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) 23.387 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ 12.874 tỷ đồng. Đối với phương án 2, đầu tư từ vòng xoay A1 (Thành phố mới Bình Dương) đến Suối Tiên, chưa đầu tư đề-pô tại TP.Tân Uyên mà dùng chung đề-pô Long Bình của TP.Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.301 tỷ đồng; trong đó dự kiến vốn ngân sách tỉnh là 21.654 tỷ đồng, khai thác TOD là 23.387 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ là 11.260 tỷ đồng.

Về lộ trình thực hiện, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2025. Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tháng 6 đến 7-2025. Khởi công dự án năm 2027; hoàn thành và vận hành năm 2031.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để phát triển mạng lưới giao thông, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông vận tải phải bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và của tỉnh. Trong đó, Bình Dương ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh.

Xây dựng đường ven sông, thúc đẩy phát triển

Tại Kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) vừa qua, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40. Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng, TP.Thuận An nằm trong vùng kinh tế động lực và có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Khu vực giáp sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An chưa phát triển xứng tầm do hệ thống hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, chưa tạo được động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng tốc độ đô thị hóa cho khu vực. Vì vậy, rất cần một tuyến đường chỉnh trang đô thị đi xuyên qua khu vực này, kết nối các tuyến đường địa phương với mạng lưới đường tỉnh, quốc lộ, kết nối trực tiếp giữa các khu vực trong thành phố để khai thác ưu thế của khu vực giáp sông Sài Gòn và khơi dậy những tiềm năng vốn có của vùng. Đường ven sông Sài Gòn sẽ là một trong các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 4.942 tỷ 610 triệu đồng, từ vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40 chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2027; dự án xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40 với lộ trình chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2025 - 2026 và thực hiện dự án giai đoạn 2026 - 2030.

Bình Dương sẽ ưu tiên vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, tạo sức đột phá phát triển kinh tế và liên kết vùng. Với tinh thần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, Bình Dương đang ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo nguồn động lực, tiềm lực để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương: Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng lớn về hạ tầng, đi kèm với một không gian rộng lớn để dành cho các bước phát triển tiếp theo. Đây là thành quả quý báu của quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch của tỉnh. Cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao. Để đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế vùng đối với Bình Dương, tỉnh cần nghiên cứu hình thành hệ thống giao thông đường sắt vùng Đông Nam bộ.

Theo baobinhduong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xung kích trong chuyển đổi số

Xung kích trong chuyển đổi số

Với tinh thần “Thanh niên tiên phong, sáng tạo trong chuyển đổi số”, Tỉnh đoàn Bình Dương đã phát động 15 ngày cao điểm thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” nỗ lực đưa công nghệ số đến gần hơn với đời sống người dân.

"Đòn bẩy" phát triển từ hạ tầng

"Đòn bẩy" phát triển từ hạ tầng

Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp, tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, góp phần tạo lực đẩy thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng vào tỉnh.

Nâng cao vị thế công nghiệp Bình Dương

Nâng cao vị thế công nghiệp Bình Dương

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, Bình Dương xác định ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng, phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...

Ngân nga những khúc ca xuân

Ngân nga những khúc ca xuân

Những ngày đầu xuân mới, các câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đã góp phần cho không khí tết Nguyên đán thêm ấm áp, tạo sự kết nối cộng đồng và tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian quý báu trong từng giai điệu, câu ca.

Một mùa xuân nhân ái

Một mùa xuân nhân ái

Trong các hoạt động thiện nguyện, mừng Đảng, mừng Xuân năm 2025, từ các hoạt động thiết thực, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ hơn 12.000 phần quà với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.

Khởi động mùa lễ hội Rằm tháng Giêng

Khởi động mùa lễ hội Rằm tháng Giêng

Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 đã kết thúc, nhưng những tiểu cảnh tết Việt ở tuyến đường đi bộ Bạch Đằng và các công viên của phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một vẫn còn níu chân du khách... Cùng với đó, đường Nguyễn Tri Phương (đoạn ven sông Sài Gòn) mới đưa vào khai thác, sử dụng với không gian rất thơ mộng làm cho người đi đường cảm thấy như Tết vẫn còn đâu đây.

fb yt zl tw