Diễn đàn “Chuyển đổi xanh, Du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai” gồm 2 phiên thảo luận. Trong phiên 1, các đại biểu đã nêu tổng quan và vai trò của chuyển đổi xanh và Net Zero trong phát triển du lịch Việt Nam. Trong phiên thứ hai, các đại biểu, chuyên gia thảo luận giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển du lịch Net Zero trong ngành du lịch.
Tiến sĩ Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thế giới đã thống nhất biến đổi khí hậu do con người gây ra, con người có thể hành động để làm chậm hoặc đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu. Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (1992), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015) và các quyết định của Hội nghị thường niên các bên (COP) là khuôn khổ để các quốc gia cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Tiến sĩ Lương Quang Huy, tính đến nay, Việt Nam đã có những hành động từ các công ty du lịch đến các cơ quản lý nhà nước để thực hiện mục tiêu giảm khí thải, khí nhà kính của các hoạt động liên quan đến du lịch.
Khi phát triển du lịch xanh, cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở một mức độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo Tiến sĩ Lương Quang Huy, phát triển ngành du lịch giảm phát thải, hướng tới Net Zero cần sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, nên cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam thông qua giảm tối đa phát thải khí nhà kính tại tất cả các công đoạn.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế-xã hội.
Trong thời gian tới, thành phố cần có sự đóng góp, tham gia của các sở, ban, ngành, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết các giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện trong việc chuyển đổi xanh và phát triển du lịch bền vững.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thông qua các bài phát biểu của các nhà khoa học, đại biểu, diễn đàn đã làm rõ, những giải pháp căn cơ trong việc phát triển du lịch bền vững. Việc phát triển du lịch xanh là một trách nhiệm, một tất yếu, đòi hỏi khách quan của tăng trưởng kinh tế, trong lúc du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp.
Du lịch xanh không phải là ở đâu xa lạ, mà du lịch xanh bắt đầu từ mỗi hành động của mỗi thành viên trong tổ chức gồm: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp giữ vai trò tạo ra dòng sản phẩm; nhân dân là chủ thể để tổ chức thực hiện.
“Vì vậy, du lịch xanh phải được tổ chức, triển khai, trong đó phải dựa trên nền tảng sản phẩm du lịch bắt đầu từ văn hóa và mang đậm dấu ấn văn hóa. Chỉ có thông qua con đường đó chúng ta mới kiến tạo sự phát triển theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.