Xã Minh Quân hiện có 14 lò gạch thủ công đang hoạt động, trong đó tập trung tại thôn Linh Đức 7 lò, Tiền Phong 5 lò, Gò Bông và Hoà Quân mỗi thôn 1 lò. Chủ tịch UBND xã Minh Quân cho biết: “Các lò gạch thủ công đã được duy trì hàng chục năm nay và đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, các lò gạch cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khoẻ của người dân trong khu vực”.
![]() ![]() |
Tìm hiểu được biết, với 14 lò gạch đang hoạt động hiện nay, trung bình mỗi năm mỗi lò cũng cung cấp ra thị trường hàng vạn viên gạch. Cụ thể, trong 9 tháng năm nay các lò gạch này đã sản xuất 1,4 triệu viên gạch, giải quyết việc làm cho hơn trăm lao động có thu nhập ổn định. Trước vấn đề môi trường, năm 2010 và trong tháng 9 vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên đã phối hợp cùng xã Minh Quân tiến hành lập biên bản, yêu cầu các lò ngừng hoạt động, chỉ được đốt hết số gạch mộc đã đóng. Song, dù đã ký vào văn bản nhưng các chủ lò gạch này vẫn tiếp tục sản xuất gạch mộc và đốt lò.
Bên lò gạch nghi ngút khói, ông Lê Thành Đồng - chủ lò gạch thôn Linh Đức tâm sự: “Năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tận dụng nguồn đất từ lòng ao, chúng tôi đăng ký sản xuất gạch bằng lò thủ công và phấn đấu làm càng nhiều càng tốt. Địa phương cũng ủng hộ vì chúng tôi vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu cho địa phương. Bây giờ Nhà nước có quyết định các lò gạch thủ công phải đóng cửa và chuyển đổi sang hướng sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi cần có thời gian để chuyển đổi vì lượng vốn xây dựng lò theo quy chuẩn thân thiện với môi trường lại quá lớn, anh em chúng tôi không đủ khả năng”.

Những lò gạch thủ công như thế này vẫn còn đỏ lửa ở Minh Quân.
Cách lò gạch của ông Đồng không xa là lò gạch của chị Phan Thị Mai. So với ông Đồng, hoàn cảnh chỉ Mai khó khăn hơn nhiều. Chồng chết vì điện giật khi xây dựng lò gạch. Dồn tất cả vốn liếng để làm lại lò sau khi bị mưa lũ phá hỏng thì giờ lại có chủ trương cấm. Hơn thế, để nuôi 3 đứa con trong đó có 2 đứa đang học cao đẳng và đại học, gia đình chị đều trông cả vào lò gạch này.
Chị cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được chủ trương về việc chuyển đổi các lò gạch thủ công sang lò gạch thân thiện với môi trường và cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc sản xuất gạch đã mấy năm nay, tất cả vốn liếng đổ vào đó, bây giờ chuyển đổi sang mô hình có quy mô sản xuất và kinh phí đầu tư lớn hàng tỷ đồng thì của chúng tôi không đủ khả năng. Rất mong tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ chúng tôi”.
Việc chuyển đổi các lò gạch thủ công sang sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại là phù hợp với tiến trình phát triển xã hội. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này cũng như đảm bảo được quyền lợi của người dân, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần nghiên cứu nên có lộ trình chuyển đổi cụ thể để hướng dẫn người dân.
Nguyễn Đình