Dự thảo Luật Du lịch được ban hành trong bối cảnh Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo chương trình, Dự Luật Du lịch sẽ được trình ra Quốc hội vào ngày 29/5 tới, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến lo ngại với những điểm còn bất cập, Dự thảo Luật khi vừa ra đời có thể đã…lạc hậu.
Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi 2017 vừa được các chuyên gia mổ xẻ trong tọa đàm “Tạo đột phá cho Du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/5.
Mục tiêu Việt Nam đặt ra, năm 2020 doanh thu của du lịch đem lại 35 tỷ USD, khách quốc tế tăng 190%… |
Nói về thực trạng phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua, TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, các chỉ tiêu phát triển du lịch của Việt Nam vẫn thấp nhất trong 136 nước. Năm 2016, khi lần đầu tiên Việt Nam đạt 10 triệu khách du lịch thì Thái Lan đã 30 triệu, Singapore là 16 triệu. Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Người Việt Nam sang Thái gấp 3 lần so với ngược lại. Người Việt sang Lào gấp 5 lần so với Lào sang ta.
Còn nhiều trở ngại để thành nền kinh tế mũi nhọn
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hãng lữ hành Vietravel cho biết, dự thảo Luật Du lịch năm 2017 không khác nhiều so với Luật Du lịch năm 2005. Theo đó, ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn nhưng không định lượng rõ, mũi nhọn là như thế nào. Mục tiêu Việt Nam đặt rất cao, năm 2020 doanh thu của du lịch đem lại 35 tỷ USD, khách quốc tế tăng 190%… song những thay đổi trong dự thảo Luật Du lịch vẫn chưa thực sự tương xứng với những mục tiêu đó. “Chính sách du lịch của Việt Nam hiện còn thua cả Lào, Capuchia, Philippines. Chính sách đưa ra có 8 đột phá, nhưng khi đi vào luật lại triệt tiêu”, ông Kỳ lo ngại.
Nhận định dự thảo Luật Du lịch vừa được hoàn thành đã lạc hậu, lỗi thời so với các nước xung quanh, ông Kỳ cho rằng thế giới đã chuyển từ thế giới phẳng sang thế giới trực tuyến nhưng dự thảo không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến, tức áp dụng công nghệ vào du lịch. “Các hãng taxi truyền thống, xe ôm cũng đang bị các ứng dụng như Uber, Grab làm tụt giảm doanh thu, rơi vào khủng hoảng. Ngay trong ngành du lịch, hiện nay các du khách cũng có thể dễ dàng đặt phòng nghỉ bằng các ứng dụng công nghệ như Booking.com, agoda.com,…”, ông Kỳ nêu dẫn chứng.
Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại về điều kiện kinh doanh cũng như thiếu ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, các quần thể nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông, hàng không khi phục vụ mục đích phát triển du lịch.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc doanh nghiệp lữ hành phải ký quỹ tại ngân hàng sẽ làm gia tăng chi phí, trở ngại gia nhập thị trường của doanh nghiệp khởi nghiệp. “Nếu tiếp tục dựng hàng rào với doanh nghiệp lữ hành truyền thống, trong khi có nhiều cơ hội cạnh tranh công nghệ, vai trò doanh nghiệp lữ hành xuống rất thấp, tôi sợ ngành du lịch sẽ lao đao như khi so taxi truyền thống với Uber, Grab”, ông Tuấn lo ngại.
Cần thận trọng khi thông qua luật
Nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật nên sửa những bất cập, nhưng phải hướng đến phát triển bền vững. Theo Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, thời gian qua, điều kiện kinh doanh lữ hành đã khá thông thoáng. Trong 10 năm qua có tới 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế ra đời. “Số doanh nghiệp quá lớn, hạ tiêu chuẩn xuống, điều kiện xuống, dẫn tới cạnh tranh, chụp giật. Phát triển khách du lịch kết quả không tương xứng. Miếng bánh thì ít, doanh nghiệp thì nhiều, không phải cứ thông thoáng là được. Trung Quốc hàng năm đưa hàng trăm triệu du lịch ra nước ngoài, nhưng chỉ có 100 doanh nghiệp, còn lại là các đại lý”, ông Kỳ thẳng thắn.
Ngoài ra, theo ông Kỳ, cần chú trọng thanh tra du lịch. Hiện các quốc gia đã có lực lượng thanh tra riêng, cảnh sát du lịch riêng nhưng Việt Nam vẫn chưa có, nên việc đảm bảo an toàn cho khách, an ninh cho khu du lịch vẫn bỏ ngỏ. “Muốn tăng thu lên gấp đôi đạt 35 tỷ USD, thành ngành kinh tế mũi nhọn mà không muốn tăng đầu tư, thanh tra thì quá mỏng nên mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài ngày các khu du lịch bị bung bét. Như ở Nha Trang, năng lực quản lý khoảng 1 vạn khách du lịch nhưng khi tăng lên 2 vạn thì hỏi sao không vỡ trận”, ông Kế nói.
Lo ngại dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị Quốc hội lần này cần thận trọng khi thông qua dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, và cần thêm thời gian để hoàn thiện. “Tôi đề nghị Quốc hội lần này không thông qua dự thảo Luật du lịch năm 2017. Luật còn nhiều quan điểm trái chiều, chưa thể hiện được Nghị quyết phát triển du lịch của Bộ Chính trị”, ông Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, nếu Luật được thông qua thì ít nhất 10 năm mới điều chỉnh được. Đó là khoảng thời gian không nhỏ với 1 lĩnh vực đang phát triển mạnh. “Trước đó, Bộ Luật hình sự đã phải hoãn gấp để sửa lại, đảm bảo đạt điều kiện mới thông qua. Vậy Luật Du lịch sửa đổi có nên dừng lại không. Đây là quy trình rất khó, kế hoạch rất là chặt”, ông Quốc chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho rằng Dự thảo Luật Du lịch được ban hành trong bối cảnh Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sửa đổi luật lần này căn cứ tinh thần chỉ đạo của Nghị định 08, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đây là một quan điểm,một tư tưởng lớn. “Dù 29/5 tới Quốc hội sẽ họp có bấm nút thông qua dự thảo Luật Du lịch hay không, thời gian không còn nhiều nhưng còn nước thì còn tát”, ông Lân nói./.