Du lịch nông nghiệp, nông thôn - Xu hướng đang được ưa chuộng

Những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được đầu tư bài bản để phát triển tương xứng tầm tiềm năng và vẫn đang chờ thời cơ, chính sách thích hợp để “cất cánh”.

Du khách đi thuyền tham quan vùng trồng bầu của Khu du lịch Trần Bá Chuốt, huyện Lai Vung. Mô hình làm du lịch nông nghiệp này giúp nông dân Đồng Tháp cải thiện thu nhập, vừa phát triển kinh tế nông nghiệp.
Du khách đi thuyền tham quan vùng trồng bầu của Khu du lịch Trần Bá Chuốt, huyện Lai Vung. Mô hình làm du lịch nông nghiệp này giúp nông dân Đồng Tháp cải thiện thu nhập, vừa phát triển kinh tế nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, người nông dân và cảnh quan nông thôn.

Loại hình này cung cấp các trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn, mang tính giải trí và giáo dục đang là xu hướng được ưa chuộng. Ở Việt Nam đã xuất hiện loại hình du lịch này.

Tuy nhiên, những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được đầu tư bài bản để phát triển tương xứng tầm tiềm năng và vẫn đang chờ thời cơ, chính sách thích hợp để “cất cánh”.

Xu hướng du lịch

Hình thức đi chơi kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại vùng nông thôn đang ngày càng trở nên phổ biến.

Xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới mà đặc biệt phù hợp ở Việt Nam - quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến hơn 62,7%.

Hơn 10 năm trước, bà Ngô Kiều Oanh - một tiến sỹ khoa học tâm huyết bảo vệ văn hóa truyền thống Việt đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì - nơi có nhiều làng nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời.

Khu du lịch dựa trên sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn liền với các làng nghề và cảnh quan thiên nhiên.

Nghệ nhân làm gốm hướng dẫn các du khách nhí vuốt, nặn gốm trên bàn xoay.
Nghệ nhân làm gốm hướng dẫn các du khách nhí vuốt, nặn gốm trên bàn xoay.

Mô hình được xây dựng trên cơ sở đảm bảo vững chắc mối giao hòa giữa tự nhiên-văn hóa - con người với cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động lưu trú, nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu của cá nhân, gia đình và cả những nhóm hàng trăm học sinh; các bữa ăn gắn với nông sản địa phương; các hoạt động trải nghiệm gắn với đời sống thôn quê, sản xuất nông nghiệp truyền thông và trang trại chăn nuôi hiện đại. Đặc biệt, du khách được tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa của người Mông, Dao gắn với những làng, điểm di sản văn hóa.

“Trang trại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân xung quanh để vừa cung cấp thông tin hấp dẫn du khách, đồng thời trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của vùng Ba Vì, Sơn Tây nói riêng, Hà Nội nói chung. Đây là một hình thức phát triển mối giao hòa giữa tự nhiên, văn hóa và con người ở các đô thị với nông thôn, thông qua việc đến ở, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh và hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi sạch trong khung cảnh gia đình, làng quê ấm cúng”, tiến sỹ Oanh chia sẻ.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Quang Đăng (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch), đây là một hình thức du lịch độc đáo, kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa và môi trường tự nhiên tại các khu vực nông thôn bao gồm nhiều hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp bởi nông dân, cộng đồng nông thôn nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch. Trong đó bao gồm các hình thức du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái...

“Những trải nghiệm từ các hoạt động du lịch nông thôn như: Bắt cá dưới ao, hái chè về sao thành trà rồi pha nước thưởng thức, giã, xay gạo bằng cối để tráng bánh cuốn… đều mang đến nhiều trải nghiệm bất ngờ, thú vị, gợi nhớ đến kỷ niệm tuổi thơ khiến quãng thời gian du lịch thêm ý nghĩa”, ông Nguyễn Quang Đăng cho biết.

Nhiều tiềm năng phát triển

Tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Việc phát triển du lịch ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với xây dựng nông thôn hiện đại. Cơ sở vật chất của nông thôn hiện đại gắn với hạ tầng dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… đã tạo cơ sở cho sự phát triển của du lịch nông thôn.

Chiều ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao nguồn thu nhập cho các gia đình, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

Du khách trải nghiệm công đoạn hái chè sạch tại đồi chè Tre Hóa, thị trấn Nông Trường.
Du khách trải nghiệm công đoạn hái chè sạch tại đồi chè Tre Hóa, thị trấn Nông Trường.

Ở miền Bắc, hiện có nhiều tour du lịch nông nghiệp khai thác các hoạt động trồng, cấy lúa nước truyền thống, các nghề thủ công, trang trại chăn nuôi... Đáng nói, quanh khu vực ngoại thành Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm và nhiều vùng có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm du lịch thể hiện tính đa dạng nông nghiệp như tour tham quan làng dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương. Vùng miền Nam và đồng bằng Sông Cửu Long với đặc thù sông nước, nhà vườn... có tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp.

Theo tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, để du lịch nông thôn phát triển bền vững, cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các bên liên quan, từ chính quyền địa phương đến người dân.

Quan trọng nhất, những người làm du lịch cần phải thực sự hiểu và yêu cái đẹp, cái giá trị của sản phẩm du lịch nông thôn mà mình, địa phương mình đang gìn giữ và phát triển.

Tiến sỹ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT cho biết, để đảm bảo phát triển hiệu quả, các hoạt động du lịch nông nghiệp cần có không gian dịch vụ bài bản như nông trại, cánh đồng, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống hay các vùng quê có giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực địa phương độc đáo.

Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng địa phương là vô cùng quan trọng. Là đối tượng gắn bó mật thiết với môi trường văn hóa và phương pháp sản xuất, người dân địa phương đóng vai trò không thể thiếu trong việc tổng hợp, chia sẻ các giá trị văn hóa với du khách. Họ trở thành người bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa nông nghiệp, góp phần tạo nên trải nghiệm du lịch đặc trưng riêng.

Bên cạnh đó, để phát triển hình thức du lịch này, các địa phương nên gắn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm là dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Mỗi điểm du lịch cần được xây dựng đề án phát triển tổng thể dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp. Đồng thời, việc xây dựng những tour tuyến chung, liên kết trong các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương liên kết làm tăng sức hút cho các điểm đến du lịch nông thôn.

Quảng bá, kết nối, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn với các hãng lữ hành hay trung tâm du lịch lớn, đa dạng hóa hình thức quảng bá, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch được quảng bá bằng công nghệ thông tin.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

Ba lô, máy ảnh và hành trình xuôi ngược sông Hồng

“Không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội để xuôi ngược theo một dòng sông. Nhưng nếu được, hãy đi một lần. Vì đó không chỉ là hành trình về địa lý, với nhà báo đây còn là cơ hội để mình được dấn thân và thể hiện đam mê với nghề” - đó là những dòng tôi viết trong cuốn sổ nhỏ mang theo khi bắt đầu hành trình ngược xuôi theo dòng sông Mẹ.

fb yt zl tw