Bộ LĐTB&XH đã thông tin về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Theo đó, trong 10 tháng năm 2024, các địa phương đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.066.632 người có công với cách mạng với kinh phí khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số đối tượng người có công với cách mạng đã được nhận trợ cấp qua tài khoản là 566.830 người; chiếm 88,40% tổng số đối tượng người có công với cách mạng có tài khoản và bằng 53,14% tổng số đối tượng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Tính riêng trong tháng 10/2024, Bộ LĐTB&XH đã cấp trích lục 48 hồ sơ liệt sĩ, tra cứu gần 2.500 bộ hồ sơ. Tính đến tháng 10/2024, Bộ LĐTB&XH đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 284 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 9.430 bằng Tổ quốc ghi công.
Bộ LĐTB&XH tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn. Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; dự thảo Nghị định và Tờ trình Chính phủ đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.