Ngày 6/7, Liên minh Thịnh vượng số cho châu Á (DPA) vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp năng động sáng tạo và bền vững tại Việt Nam”.
DPA là liên minh xuyên châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đầu tiên được xây dựng bởi các công ty APAC nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực bao gồm giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, trò chơi, thương mại điện tử, truyền thông mạng xã hội, blockchain, in 3D, giải pháp tiếp thị, các nhà cung cấp phần mềm độc lập khác…
Ông Benjamin Wong, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Kinobi, một thành viên DPA chia sẻ tại sự kiện.
Sự hiện diện của DPA tại Việt Nam là nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chuyển đổi số với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức để củng cố hệ sinh thái số của Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số năng động, sáng tạo và linh hoạt có thể mở rộng khắp khu vực.
Tại sự kiện ra mắt, các thành viên DPA cùng đại diện các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam đã thảo luận về 2 chủ đề “Mở khóa khả năng mở rộng toàn cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, và “Hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup trong lĩnh vực chuyển đổi số và sáng tạo từ góc độ sáng tạo mở tại Việt Nam”.
Ông Benjamin Wong, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Kinobi, một thành viên DPA nhận định, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số và các công ty khởi nghiệp đối với việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Liên minh muốn nắm bắt cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Liên minh Thịnh vượng số cho châu Á khuyến nghị phương pháp tiếp cận hợp tác và tư vấn giữa chính phủ và các bên tham gia trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Đáng chú ý, trong bản khuyến nghị chính sách chia sẻ tại sự kiện, DPA đề xuất phương pháp tiếp cận hợp tác và tư vấn giữa chính phủ và các bên tham gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, đồng thời tăng cường các yếu tố hỗ trợ kinh doanh chính như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát triển chính sách dựa trên rủi ro và tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số đa quốc gia để hỗ trợ mở rộng doanh nghiệp nhỏ và vừa số trong khu vực.
DPA cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phát triển các khuôn khổ chuẩn hóa có tính đến khả năng tiếp cận các công nghệ mới và sáng tạo như trí tuệ nhân tạo, cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mua sắm của chính phủ, thông qua mô hình thị trường kỹ thuật số và thúc đẩy các nguyên tắc công bằng trong mua sắm phần mềm.