Những ngày này, cơ sở sản xuất miến dong Hưng Hiền - làng nghề miến dong Thành Sơn ở xã Bản Xèo, huyện Bát Xát đang tất bật mùa vụ sản xuất cuối năm, đóng hàng để gửi đi các tỉnh theo đơn hàng đã đặt sẵn. Chị Cồ Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất miến dong Hưng Hiền cho biết: "Đây là thời điểm bận rộn bởi các đơn hàng Tết. Do vậy, gia đình đang dồn hết công suất để kịp ra những mẻ sản phẩm mới kịp phục vụ khách từ nay đến Tết Nguyên đán. Ngoài các đại lý và khách hàng quen thuộc, có nhiều đơn hàng mới phục vụ hàng Tết".
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề và làng nghề truyền thống tập trung vào nghề nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, làm hương và bánh phở. Trong đó, có 3 làng nghề có sản phẩm OCOP là: Làng nghề chế biến miến dong Bản Xèo, Bát Xát; làng nghề nấu rượu xã Bản Phố, Bắc Hà và làng nghề nấu rượu thóc xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa.
Không chỉ mong muốn đưa miến dong truyền thống vươn xa với phương châm “Miến sạch an sinh cho người Việt”, chị Cồ Thị Hiền khởi nghiệp ngay tại quê hương mình, còn tạo việc làm cho rất nhiều người dân địa phương từ trồng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến theo dây chuyền thủ công tại cơ sở. Mỗi lao động làm miến có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, cơ sở miến dong Hưng Hiền sản xuất được trên chục tấn miến thành phẩm cung ứng ra thịt trường, thu về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận từ nghề sản xuất miến dong truyền thống.
Đặc biệt, từ những người tâm huyết giữ nghề truyền thống như chị Cồ Thị Hiền và người dân thôn Thành Sơn, sản phẩm miến dong truyền thống đã đạt tiêu chuẩn OCOP. Không chỉ có miến dong truyền thống, giờ đây, trên cách làm truyền thống, người dân Thành Sơn còn chế biến ra sản phẩm mới kết hợp giữa củ dong riềng và củ hoàng sin cô - đặc sản của vùng cao Bát Xát, tạo ra sản phẩm miến đao sâm, cũng được thị trường đón nhận tích cực.
Ngoài làng nghề sản xuất miến dong ở Bát Xát, có một làng nghề cũng không kém phần tất bật những ngày cuối năm, đó là làng nghề lạp xường hun khói ở Mường Khương. Đây là sản phẩm truyền thống nức tiếng từ lâu, chế biến từ nguyên liệu thịt lợn đen bản địa, với công thức truyền thống và gia vị mang nét đặc trưng riêng, nên dù giờ đây, trên thị trường có rất nhiều cơ sở cũng chế biến sản phẩm này, song khách hàng vẫn tin tưởng và tìm mua đặc sản ở xứ Mường.
Bà Phùng Kim Dung, chủ cơ sở chế biến Dung Sử, chuyên cung cấp các sản phẩm truyền thống như lạp xường, thịt hun khói và tương ớt Mường Khương chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 10 âm lịch trở đi, sản phẩm lạp xường Mường Khương lại được nhiều khách hàng đặt mua, nên cơ sở cũng tăng cường nhân lực để làm trong dịp này. Mặc dù lạp xường Mường Khương vẫn có khách đặt mua rải rác trong năm, tuy nhiên, vào dịp Tết thì lượng khách đặt hàng tăng cao hơn do nhu cầu sử dụng để ăn Tết, làm quà tặng cho người thân, đối tác và bạn bè. Sản phẩm lạp xường Mường Khương được lựa chọn làm từ nguyên liệu thịt lợn đen bản địa Mường Khương với gia vị và cách chế biến truyền thống, nên luôn được khách hàng tin dùng lựa chọn".
Đặc biệt, sản phẩm lạp xường Dung Sử đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, nên khách hàng càng yên tâm tin cậy không chỉ về chất lượng, mà còn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi sử dụng. Hiện tại, giá bán sản phẩm lạp xường Mường Khương dao động từ 350 - 400.000 đồng/kg đóng gói hút chân không, rất tiện cho khách hàng sử dụng và bảo quản. Dự báo nhu cầu thị trường Tết có tăng lên so với ngày thường, tuy nhiên, nhiều năm nay, hầu như mặt hàng lạp xường truyền thống này vẫn không tăng giá đột biến như một số mặt hàng đồ uống, bánh kẹo hay thực phẩm khác.
Thông thường, nhu cầu Tết Nguyên đán năm nào cũng tăng đáng kể, đây là thời gian vào mùa cao điểm để các cơ sở sản xuất, các làng nghề truyền thống tất bật sản xuất hàng Tết. Do vậy, ngoài hai địa phương trên, tại một số làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đang trong mùa sản xuất để phục vụ nhu cầu các mặt hàng dịp Tết. Điển hình như cơ sở chế biến bánh chưng đen Văn Bàn; chế biến hương, nấu rượu thủ công ở Bắc Hà, Bát Xát... đang chuẩn bị sẵn sàng một lượng hàng hóa nhất định cũng như nhân lực, nguồn lực để sản xuất kịp các đơn hàng nội tỉnh và các cửa hàng bán thực phẩm Tết. Ngoài ra, nhiều cơ sở chế biến vừa và nhỏ, nhất là các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP đều có sự chuẩn bị về lượng hàng hóa và nguồn cung cho thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.