LCĐT - Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, một nhóm bạn trẻ sinh sống, học tập và làm việc tại thị xã Sa Pa đã tổ chức đi bộ đường dài để trải nghiệm những cung đường tuyệt đẹp của Sa Pa và khám phá giới hạn của bản thân.
Cuối tuần, tôi nhận lời mời tham gia đi bộ trên cung đường từ cầu 32 - Sả Séng - Sâu Chua (phường Sa Pả) - Hang Đá - Thào Hồng Dến (xã Mường Hoa) - Lếch Mông - khu du lịch Topas Ecolodge (xã Thanh Bình) cùng một nhóm bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại thị xã Sa Pa với mong muốn rèn luyện sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19 và khám phá những cảnh đẹp của “xứ sở trong mây”.
Cung đường tuyệt đẹp cả nhóm chinh phục. |
Nhóm có 10 thành viên tuổi đời khá trẻ (1987 - 1998), ai cũng háo hức chuẩn bị đồ dùng cá nhân và tinh thần để chinh phục cung đường dài hơn 30 km. Kế hoạch đặt ra trước 1 tuần nhưng trước ngày lên đường, trời chuyển mưa khiến 2 thành viên bỏ cuộc. Sáng Chủ nhật, trời vẫn mưa nhưng với quyết tâm cao, tôi và 8 thành viên khác vẫn quyết định lên đường. Háo hức nhất là cô gái “xứ Tuyên” - Lương Thị Thanh Thủy, sinh năm 1998, giáo viên mầm non, thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm.
Trước khi bắt đầu hành trình, cô giáo mầm non có dáng người nhỏ nhắn tâm sự: Đây là chuyến đi bộ đầu tiên của em với khoảng cách dài như thế. Bình thường em chỉ đi bộ vài km nhưng khi được các anh chị trong nhóm động viên, em muốn đi để trải nghiệm thử thách bản thân và truyền cảm hứng cho bạn bè.
Do trời mưa nên hơn 8 giờ sáng chúng tôi mới xuất phát. Trước khi đi, chàng trai trẻ Văn Hùng, sinh năm 1995, hướng dẫn các thành viên khởi động thật kỹ khớp cổ chân, đầu gối và làm nóng cơ thể. Theo Hùng, khởi động càng kỹ thì đi bộ càng bền, thậm chí nếu khởi động đến đổ mồ hôi thì đi sẽ không thấy mệt. Đây là những kinh nghiệm mà Hùng rút ra trong quá trình được huấn luyện trở thành chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.
Cung đường đầu tiên từ Sa Pả đi Sả Séng - Sâu Chua chủ yếu là đường bê tông với nhiều con dốc nhỏ nhưng cũng đủ làm những người đi bộ lần đầu thấy khó thở. Do trời mưa, xứ lạnh sáng muộn, nhiều người mới thức dậy nấu cơm sáng, khói tỏa ra từ những mái nhà truyền thống của đồng bào Mông càng làm khung cảnh thêm thanh bình và thơ mộng, thôi thúc các thành viên chinh phục cung đường này.
Càng đi mưa càng lớn, nhiều đoạn nhóm phải dừng chân trú mưa. Sau vài lối rẽ, Văn Hùng đã dẫn đoàn đi lạc đường gần 2 km vì sương mù giăng kín. Chàng trai trẻ “bào chữa” lỗi của mình bằng cách dẫn nhóm vào trú mưa tại một homestay sau đỉnh núi Hàm Rồng và nói: Đây là em muốn để lại ấn tượng cho mọi người nhớ đến mình và tăng độ khó cho chuyến đi một chút!
Do trong nhóm có vài người mới tham gia đi bộ đường dài nên buộc chúng tôi vừa đi vừa nghỉ trú mưa. Đường càng đi càng dốc nhưng đổi lại, cả đoàn được ngắm những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, lúa đang thì con gái. Đến thôn Hang Đá, chúng tôi được thiên nhiên “trả thưởng” bằng view toàn cảnh thung lũng Mường Hoa, một trong những thung lũng ruộng bậc thang lớn nhất, đẹp nhất, được du khách trong và ngoài nước ưa thích. Cung đường có nhiều địa điểm đẹp để mọi người “check-in”, lưu lại những khoảnh khắc của chuyến đi.
Đến trưa, cả nhóm đã đi được khoảng 15 km, nhiều người thấm mệt nên vào nhờ một nhà dân trú mưa, ăn trưa, rồi tiếp tục lên đường. Sau khi ngắm trọn thung lũng Mường Hoa, băng qua các bản làng người Mông, chụp ảnh cùng ruộng lúa, nương ngô, nhóm tiếp tục chinh phục đoạn đường khó khăn nhất từ thôn Thào Hồng Dến (xã Mường Hoa) sang thôn Lếch Mông (xã Thanh Bình). Đường xuống dốc, lên dốc liên tục, đi xuyên rừng, dài khoảng 10 km, rất trơn và có nhiều vắt. Những cô gái trong nhóm thỉnh thoảng lại hét lớn mỗi khi nhìn thấy vài con vắt rừng bám vào giày. Khó khăn là thế nhưng không ai chùn bước mà vẫn tiếp tục đi, ngắm cảnh và cười nói vui vẻ. Ở độ cao 1.400 m, trong cánh rừng tự nhiên, không khí trong lành khiến mọi người muốn hít căng tràn lồng ngực. Lên tới đỉnh núi, gió thổi lồng lộng xua tan mệt mỏi, chúng tôi lại được thỏa sức ngắm những khung cảnh hùng vỹ của núi rừng Hoàng Liên.
Nhóm kết thúc hành trình hơn 30 km trong 6 tiếng tại khu du lịch Topas Ecolodge. |
Ở những km cuối, một số thành viên đã bỏ cuộc, phải nhờ đến sự trợ giúp của những “cô xe ôm” bất đắc dĩ. 6 thành viên của nhóm vẫn tiếp tục đi, làm quen với những đứa trẻ ở bản Lếch Mông và ngắm ruộng bậc thang Thanh Bình dập dềnh sóng lúa. Cuối cùng, sau hơn 6 tiếng, chúng tôi đã đến được đích - khu du lịch Topas Ecolodge, hoàn thành hành trình cung đường dài 31,07 km với nhiều cảm xúc.
Thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn, Thanh Thủy chia sẻ: Chuyến đi này rất thú vị, em được ngắm nhìn cuộc sống giản dị của bà con các dân tộc thiểu số, được ngắm nhìn núi rừng trùng điệp và ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Em không nghĩ là mình có thể vượt hơn 30 km đường bản, đường rừng. Về tới đích, đôi chân đau không muốn bước nhưng em đã quyết tâm làm được. Chuyến đi cho em thêm những người bạn mới, rất vui vẻ, hòa đồng và biết chia sẻ khó khăn. Trải nghiệm này cũng sẽ giúp em có thêm vốn sống để chia sẻ với học sinh của mình. Chắc chắn em sẽ cùng mọi người chinh phục những cung đường khó khăn hơn trong tương lai.
Còn đối với Hoàng Thị Thủy, sinh năm 1992, cô gái đã 2 lần tham gia Giải việt dã vượt núi Việt Nam - VMM: Chuyến đi này giúp em có thêm động lực để chinh phục cự ly 21 km hoặc 42 km trong lần tổ chức giải sắp tới. Việc đi bộ hay tham gia giải chạy không chỉ rèn luyện sức khỏe, mà còn giúp em khám phá, chinh phục những giới hạn mới của bản thân.
Anh Trần Hồng Hải - người phát động chuyến đi bộ đường dài - chia sẻ: Mục đích của tôi khi phát động mọi người tham gia đi bộ đường dài là để rèn luyện sức khỏe. Xa hơn nữa, chúng tôi muốn mỗi chuyến đi sẽ giúp mọi người có thêm trải nghiệm về vùng đất, thiên nhiên và con người Sa Pa tươi đẹp. Mỗi chuyến đi sẽ có nhiều điều thú vị và bất ngờ dành cho mọi người. Không chỉ vậy, chúng tôi sẽ vận động các thành viên đi bộ đường dài thường xuyên, “trecking” những cung đường đẹp để lan tỏa hình ảnh đẹp, tiếp thêm động lực cho những người trẻ tích cực rèn luyện sức khỏe và quảng bá về du lịch Sa Pa.