“Tôi đi lên Phú Giáo nhiều lần, lần nào cũng ngắm cây cầu này bởi thấy nó đẹp. Thế rồi dần dần tôi có ý tưởng vẽ lại. Theo tôi, phong cảnh của Bình Dương đã đẹp, nên thơ sẵn rồi nên khi người nghệ sĩ thổi hồn vào nó, đưa cảnh đẹp vào tranh thì vẻ đẹp càng được nhân lên nhiều lần”. Tác giả của bức vẽ di tích cầu gãy Sông Bé, họa sĩ Nguyễn Tấn Công, giáo viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, nói về cơ duyên mình cho ra đời tác phẩm này.
Với những người nghệ sĩ, chỉ cần có “cái cớ” tạo cảm hứng là họ lao vào sáng tác và cho ra đời những tác phẩm. Những bức tranh sơn mài độc đáo của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ra đời như thế và cảm xúc với họ chính là nét đẹp của đất và người Bình Dương.
Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển hơn 300 năm, làng sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) qua mỗi giai đoạn thăng trầm lại thêm phần đậm đà nét đẹp bản sắc dân tộc. Cùng khoa học công nghệ tối tân, nghề thủ công với sự kế thừa từ thời ông cha kết hợp với tính hiện đại đã góp phần tạo nên nhiều mặt hàng sơn mài phong phú về chất liệu vẽ.
Nhiều nghệ nhân đã tạo ấn tượng mạnh với du khách qua những sản phẩm sơn mài với chủ đề về các cảnh đẹp Bình Dương. Có những bức tranh sơn mài đã được chọn vẽ số lượng nhiều làm quà tặng theo đơn đặt hàng, bởi người trao và nhận đều muốn lưu giữ nét riêng của Bình Dương, của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Và như thế, sơn mài lại tiếp nối dòng chảy của thời gian. Những bức tranh sơn mài thật đẹp, được làm rất tỉ mỉ, công phu như gói trọn tinh hoa làng nghề, ghi đậm nét giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc vào từng tác phẩm. Cảnh đẹp Bình Dương nhờ được lưu giữ vào tranh sơn mài cũng trở nên trường tồn…