Tham dự họp báo có đại diện cục Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức 120 năm du lịch Sa Pa; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai; Thường trực UBND thị xã Sa Pa và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sa Pa là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách Thủ đô Hà Nội 315 km, cách trung tâm tỉnh lỵ 34 km. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng những nguồn lực kỳ diệu về cảnh sắc, khí hậu, tài nguyên. Trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, người dân Sa Pa đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng và rất độc đáo. Với tài nguyên du lịch cực kỳ hấp dẫn, ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Sa Pa có lợi thế quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch, là khu du lịch quốc gia giàu bản sắc và từng bước vươn tầm quốc tế.
Sa Pa đã trải qua 120 năm hình thành, phát triển du lịch. Từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên Đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón khách, cho đến hôm nay Sa Pa đã trở thành khu du lịch quốc gia, luôn nằm trong tốp 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và tốp 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Tính theo mốc thời gian 20 năm gần đây nhất, Sa Pa đã đón 200 nghìn lượt khách vào năm 2003; 800 nghìn lượt năm 2013 và đến năm 2023 dự kiến số lượt khách đạt 3,5 triệu lượt, chiếm gần 60% lượt khách đến tỉnh Lào Cai.
Để khẳng định thương hiệu du lịch Sa Pa - Lào Cai, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa phát triển bền vững, mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Lào Cai tổ chức kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa với hơn 20 sự kiện hấp dẫn và nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa gắn với kỷ niệm 65 năm Bác Hồ thăm Lào Cai. Các hoạt động, sự kiện đặc sắc sẽ diễn ra từ quý II đến hết năm 2023.
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa được tổ chức vào tháng 9 sẽ là chương trình nghệ thuật hoành tráng giới thiệu lịch sử hình thành của khu du lịch quốc gia Sa Pa; các tài nguyên du lịch, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng của Sa Pa; giới thiệu mục tiêu hướng tới khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế trong tương lai, liên kết quốc gia, quốc tế để phát huy tiềm năng nổi trội của khu du lịch quốc gia Sa Pa qua các hình tượng nghệ thuật.
Thời gian qua, du lịch Lào Cai đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” của tỉnh. Lào Cai là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch. Giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 22,6%/năm. Lào Cai đã thu hút hơn 40 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai, với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh năm 2023 là đón 6 triệu lượt khách, trong đó Sa Pa phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách.
Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức 120 năm du lịch Sa Pa mong muốn thông qua chương trình họp báo nhận được sự quan tâm tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ tiềm năng du lịch nổi trội của du lịch Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng tới đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin về mục đích, ý nghĩa, nội dung các hoạt động kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa tới đại biểu, các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và du khách.
Tại chương trình họp báo, Ban Tổ chức 120 năm du lịch Sa Pa đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo bổ sung nhân lực du lịch, hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, mang đậm bản sắc, văn hóa dân tộc trong thời gian tới.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tại thị xã Sa Pa, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, homestay, hãng xe, nhà hàng và các điểm đến du lịch đều đồng thuận, cam kết đưa ra những chính sách giá ưu đãi từ hơn 10% đến hơn 50% nhằm tri ân du khách.