Tuy nhiên, trong số đó mới có 554.135 thửa đất đã kê khai, đăng ký sử dụng đất, còn lại 821.621 thửa đất chưa được thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
Việc để tồn đọng số lượng lớn thửa đất chưa được đăng ký gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan chức năng và các địa phương, đồng thời dẫn đến tình trạng số vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra nhiều.
Trước tình trạng trên, ngày 30/6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 287 về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu cho các trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa đăng ký đất đai và trường hợp đã đăng ký đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ thực hiện đăng ký và cấp giấy chứng nhận cho 321.793 thửa đất; năm 2024 thực hiện cho 403.943 thửa đất và năm 2025 thực hiện cho 642.142 thửa đất.
Việc hoàn thành đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu giúp nhà nước thực hiện tốt các biện pháp quản lý đất đai, đồng thời để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai và yên tâm khai thác tiềm năng đất đai cũng như hạn chế những vụ việc tranh chấp đất đai gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Thủ tục đăng ký cấp quyền sử dụng đất lần đầu thế nào?
Theo quy định tại Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, để được xem xét cấp Giấy chứng nhận lần đầu, người sử dụng đất phải lập và nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện (Bộ phận Một cửa).
Thành phần hồ sơ được quy định tại điểm a, b, c, đ và điểm g Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, bao gồm:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chuyển cơ quan thuế xác định sau khi hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký do người sử dụng đất nộp. Nghĩa vụ tài chính được xác định khác nhau theo nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, loại đất, diện tích đất được thể hiện tại hồ sơ địa chính và hồ sơ đăng ký của người sử dụng đất.
Về phí và lệ phí: Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu (theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành).
Người dân có nhu cầu thực hiện đăng ký đất đai lần đầu nộp hồ sơ trực tiếp đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện, thành phố, thị xã.
Cơ quan thực hiện: Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.