Dưới cái nắng của buổi trưa, ông Phàn Chỉn Phủ, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, huyện Sa Pa vẫn khệ nệ bưng từng thúng ngô hạt dội xuống tấm bạt để thổi mày. Khuôn mặt rám nắng, những giọt mồ hôi rơi lã chã. Ông Phủ trải lòng: Nắng thế này là mừng lắm rồi, mấy hôm trước mưa nhiều, ở bản không có chỗ phơi ngô, năm nào ngô thu hoạch cũng bị mốc mất một phần. Năm nay gia đình mang xuống ven đường để phơi, xa nhà nên vất vả lắm nhưng hạt ngô lại khô và đẹp, dễ bán.

Người dân Vù Lùng Sung phơi ngô sau thu hoạch.
Ngày mùa, những bắp ngô chắc mầm, to, dài, hạt đều tăm tắp, ngô đầy chặt trong địu, những tải ngô nặng trĩu hai bên sườn ngựa xuôi núi về nhà. Niềm vui thu hái thành quả lao động chưa trọn thì nỗi lo dấy lên trong lòng những người dân thôn Vù Lùng Sung. Những cơn mưa hè và những trận mưa ngâu rả rích khiến lòng người thêm nặng trĩu lo cho hạt ngô.
Không khí vùng cao vốn độ ẩm lớn, sương mù mùa hạ mà đặc quánh, lại thêm những cơn mưa dai dẳng là sự đe dọa của ngô đang vào vụ thu hoạch, ngô rất dễ bị ẩm mốc. Ở Vù Lùng Sung, nhà nào cũng trồng ngô, mỗi vụ thu hoạch là mấy chục bao ngô thồ về nhà. Không có sân phơi, theo cách cổ truyền, nhà nhà treo ngô trên sào tre gác ngang nhà.
Năm nay, ông Phủ và những hộ dân khác rủ nhau mang tre, nứa từ thôn mình xuống lần lượt dựng lên những chiếc lều nhỏ hình cánh cung, mái bạt để hong ngô. Bên trong, vẫn đủ dành 1 khoảng đặt bếp để nấu ăn, làm chỗ ngủ. Đó là nơi ở tạm của những người dân thôn Vù Lùng Sung trong những ngày thu hoạch ngô chính vụ. Từ cửa sổ của những chuyến xe du lịch, những du khách đến
Ông Lồ Déo Xèo vừa đi thu ngô về, vì quá mệt đã lăn ra tấm bạt tạm để ngủ. Con gái ông đang thoăn thoắt đưa từng bắp ngô vào máy tẽ, chị tâm sự: Nhà mình cách đây 3 km, trời nắng liên tiếp 2 - 3 ngày mới khô một đợt ngô. Ngô khô rồi thì mang về nhà cất trữ, một phần bán ngay tại chỗ nếu có người mua. Cuộc sống vất vả nhưng những người dân thôn Vù Lùng Sung vẫn vô tư cười nói cả ngày bởi với họ năm nay ngô lại được mùa, đám ngô vàng này đã thỏa lòng những công sức họ đã bỏ ra và sự mong mỏi, đợi chờ. Với người đi phơi ngô, nước sinh hoạt dùng từ khe ở bên đường, những người phụ nữ vừa phơi phóng vừa lo chuyện bếp núc khi tới bữa. Họ mang theo nguồn thực phẩm là măng, muối ớt và thức ăn thì ngược lên chợ trên thị trấn hoặc xuôi xuống chợ Cốc San. Buổi tối, những gia đình trong “xóm di trú” quây quần đến giao lưu qua những bát rượu ngô, họ vui vẻ ngân lên những điệu dân ca rồi thì thào kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích chứa đậm những huyễn hoặc. Rồi những đêm mưa giông, gió giật bên lưng đèo, những bạt, những áo mưa giành hết cho việc che chở hạt ngô, thân thể dù bị ướt đẫm nhưng mưa gió qua đi họ lại hong mình bên bếp lửa suốt đêm thay vì để hạt ngô bị ướt. Những cái khó tiếp nối quanh năm, cuộc sống của những người dân Vù Lùng Sung vẫn trôi đi như một dòng sông mà chưa một lần dừng lại.
Dẫu cuộc sống hôm nay còn những ước mơ chưa thành hiện thực như việc mua sắm, nhận được hỗ trợ lò sấy nông sản mi ni, những chiếc máy sấy nông sản, nhưng người dân Vù Lùng Sung vẫn “chân cứng đá mềm” để hạt ngô những vụ sau thêm ruộm vàng hơn.