
Gia đình bà Nông Thị Tân có 5 sào ruộng, vị trí ruộng cao hơn so với mương thủy lợi nên phải đầu tư đường ống riêng để đưa nước về cấy lúa. Tuy chi phí bỏ ra cao, nhưng thu nhập từ cấy lúa cũng chỉ đủ gạo ăn, không dư dả. Cuối năm 2020, bà Tân mạnh dạn chuyển đổi 2 sào ruộng sang trồng thử nghiệm 4.200 gốc hoa hồng tỉ muội.

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc, khi hoa lên mầm, chuẩn bị ra nụ thì bị bệnh phấn trắng, tỷ lệ ra hoa kém, bông bé. Không nản chí, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa do địa phương tổ chức. Bà còn nhờ các con tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, trực tiếp đến vùng chuyên canh hoa ở tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó, vườn hoa dần phát triển tốt, cây khỏe mạnh, ra bông đều và đẹp. Lứa hoa thứ hai, bà đã thu về 14 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa trước đây.

Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, bà Tân tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa ở 3 sào ruộng còn lại với 3.000 gốc hoa hồng nhung - giống hoa được thị trường ưa chuộng bởi màu đỏ đậm, bông to và hương thơm đặc trưng. Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, việc chăm sóc hoa cũng trở nên thuận lợi hơn. Từ năm thứ 2, cây sinh trưởng ổn định, cho hoa quanh năm và trổ nhiều bông.

Nhìn thấy hiệu quả từ vườn hoa của gia đình bà Nông Thị Tân, nhiều hộ tại địa phương cũng bắt đầu quan tâm đến việc trồng hoa thay thế một phần diện tích lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác. Không chỉ bán hoa, bà Tân cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nông dân khác có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất.