Các đại biểu cho rằng, thị trường vàng thời gian qua có những diễn biến phức tạp, trong đó sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch giữa trong nước và thế giới là rất lớn. Điều này có thể gây nên những rủi ro, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội…
Trước thực tế này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng với những yêu cầu, nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và cụ thể đối với các bộ, ngành chức năng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Công điện này rất đúng lúc nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Các đại biểu tại toạ đàm.
Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt cho rằng, tính kịp thời của Công điện 1426 còn thể hiện ở chỗ ngay sau khi công điện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập tức giá vàng SJC lúc đó giảm mạnh trong vòng một tiếng đồng hồ từ 80 triệu đồng/lượng, xuống còn 73 triệu đồng/lượng, tức là giảm 8%. Điều này cho thấy, khi thị trường “loạn” có sự vào cuộc, chỉ đạo của Chính phủ - khi đó ngay lập tức chấn chỉnh thị trường.
“Vấn đề cũng rất quan trọng trong công điện 1426 là dứt khoát không để quay lại thị trường vàng hóa nền kinh tế và không để giá vàng biến động, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi nghĩ rằng đây là một sự nhắc nhở đối với cơ quan điều hành chính sách quản lý tiền tệ và thị trường vàng là không được chủ quan với 2 nội dung này” - ông Trần Thọ Đạt nói.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, hiện còn bất cập trong công tác quản lý của thị trường vàng, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Sự chênh lệnh giá vàng quá lớn giữa trong nước và nước ngoài thời gian gần đây đã làm hạn chế sự hội nhập và liên thông giữa thị trường vàng Việt Nam và thế giới. Lợi dụng tình hình, đã xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ vàng để trục lợi; dẫn đến thị trường vàng đôi lúc bị méo mó, phi thị trường...
Thị trường vàng thời gian qua liên tục "nhảy múa".
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy, gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Thực tế người dân không được hưởng lợi khi phải mua với giá vàng trong nước rất cao và việc để chênh lệch như thế trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống thì rõ ràng tạo điều kiện cho việc buôn lậu, không kiểm soát được.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, nên thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả theo đúng xu hướng của thế giới. GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến, sàn giao dịch này sẽ góp phần lưu thông mua bán vàng trên thị trường, là công cụ để để điều hoà thị trường.
“Khi chúng ta có một cái Sàn giao dịch vàng, người dân sẽ thay đổi được tâm lý; đó là có thể thu mua vàng trên sàn, mua chứng chỉ vàng, vàng của tôi ở đấy. Như vậy người dân sẽ không phải lo chuyện cất trữ vàng và vàng đấy sẽ được nằm trên thị trường, chứ nó không nằm trong két sắt. Và như thế thì hàng hóa sẽ được lưu thông trong thị trường, mua bán được. Khi đó chúng ta không phải ngay lập tức phải mua vàng thế giới về đúc thành miến để bán. Chúng ta vẫn có vàng để bán trên thị trường, công cụ để điều hòa khi giao dịch vàng trên tài khoản như thế khi sử dụng các công cụ phái sinh bán vàng theo hợp đồng - khi đấy nó đảm bảo là phản ứng rất kịp thời” - GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.