LCĐT - Còn nhớ cách đây không lâu, vào dịp cuối tuần, tôi và mấy người bạn lên chợ phiên vùng cao. Thăm các gian hàng trong chợ một vòng, chúng tôi dừng lại ở hàng bán kem bởi sự tò mò, vì thấy rất đông khách du lịch là người nước ngoài đang vây quanh người phụ nữ bán kem khoảng 40 tuổi.
Dù không hiểu được họ đang nói với nhau những gì, nhưng thấy mọi người vừa ăn kem, vừa nói cười vui vẻ, chúng tôi cảm nhận rằng, họ đang thoải mái và hài lòng…
Thấy vậy, mấy người bạn cũng có nhã ý hòa chung niềm vui với du khách, chúng tôi liền tiến đến gần chị bán kem và hỏi mua. Chị bán kem liền xua tay và bảo không bán nữa đâu, lát hãy mua. Chúng tôi ngớ người, đang không hiểu chuyện gì thì có người đàn ông, chắc là người nhà của chị bán kem kéo vội tôi ra ngoài: Cô và mọi người cứ đi một lát rồi quay lại chúng tôi bán cho. Giờ đang bán cho khách “tây”…
Cứ ngỡ “phân biệt đối xử” thế nào, giữa khách du lịch “tây - ta” chúng tôi rời quầy bán kem và tiếp tục trải nghiệm các gian hàng của đồng bào vùng cao. Lúc bắt đầu ra về, ngang qua chỗ gửi xe thì thấy mấy bác chở xe cho khách đang “làu bàu” và như nói với chúng tôi để tìm sự đồng cảm vậy: Đúng là quá đáng thật, cứ thấy khách “tây” là mấy ông bà ấy “chặt chém”.
Thấy vậy, tôi liền hỏi: Sao vậy bác, ai chặt chém cái gì vậy? Như tìm được nơi xả nỗi bực dọc trong người, bác xe ôm kể: Lúc nãy, các anh, chị đi qua hàng kem thấy đấy. Họ bán cho khách du lịch 50.000 đồng/chiếc kem ốc quế đấy. Cho nên, họ bảo các anh, chị đi, lúc sau quay lại, họ mới bán giá “Việt Nam”. Chúng tôi làm nghề xe ôm lên đây nhiều lần nên biết kiểu bán hàng “chộp giật” như vậy. Tưởng nghe nhầm, chúng tôi hỏi lại thì đúng như vậy. Giờ thì chúng tôi đã hiểu ý đồ của chị bán kem, thảo nào, họ bảo chúng tôi đi, một lát hãy quay lại mua là vì thế.
Nhắc đến chuyện này, mới nhớ thời gian gần đây, một số khu du lịch trong tỉnh cũng bị khách phàn nàn về việc tự ý tăng giá và “móc túi” khách du lịch trong nhiều dịch vụ, nhất là người kinh doanh hàng ăn, uống. Các nhà quản lý và chính quyền địa phương cũng rất quyết liệt và “đau đầu” trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, song mọi việc vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến chợ văn hóa vùng cao giàu bản sắc bỗng trở thành điểm đến với nỗi lo lắng, dè chừng của không ít khách du lịch.
Chắc hẳn, bất cứ khách du lịch nào khi đến Lào Cai cũng mong muốn được thăm thú danh lam thắng cảnh, trải nghiệm tại bản làng vùng cao, tận hưởng không khí trong lành, không gian văn hóa lễ hội, chợ phiên với nhiều phong tục độc đáo và sự thân thiện, mến khách của đồng bào các dân tộc nơi đây. Thật buồn khi phải chứng kiến những điều “chướng tai, gai mắt” ấy đã khiến cho nhiều khách du lịch “một đi không trở lại”… Không lẽ, vì lợi trước mắt mà các nhà kinh doanh dịch vụ, du lịch lại “ăn xổi” để làm xấu đi hình ảnh du lịch Lào Cai với những chuyện rất nhỏ, trong khi nếu biết khai thác và dựa vào tiềm năng, sẽ phát triển du lịch thực sự bền vững, hiệu quả.