Cho phép bắn pháo hoa từ 2021: Ai được bắn và bắn loại pháo hoa nào?

Nghị định mới của Chính phủ quy định đối tượng được phép bắn pháo, các loại pháo hoa được bắn và các đơn vị được phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.

Nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá nghệ thuật.

Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Một loại pháo hoa không gây tiếng nổ. (Ảnh: Z121)

Nghị định cũng quy định việc nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện.

Các tổ chức, doanh nghiệp này phải được Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ, được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Nghị định nêu rõ chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa và phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn.

Như vậy, kể từ 11/1/2021, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, người dân sẽ chỉ được phép mua và sử dụng pháo hoa từ các cơ sở được phép kinh doanh pháo hoa theo quy định.

Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc đốt pháo trong những ngày Tết, lễ hội… là phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân ta, do đó việc bổ sung quy định cho phép người dân sử dụng pháp hoa là phù hợp và đảm bảo tính nhân văn. 

"Tôi cho rằng để Nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn thì các cơ quan ban ngành, ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ, ban hành quy chế, quy định riêng tại từng địa phương nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội", ông Cường nói.

Theo luật sư Cường, trong thành phần pháo hoa cũng có chất gây nổ, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây phát nổ, gây mất an toàn đối với người sử dụng hoặc có thể gây cháy đối với tài sản... Do đó, mặc dù pháp luật mở rộng các đối tượng, trường hợp được sử dụng pháo hoa, tuy nhiên không vì thế mà nới lỏng khâu quản lý vì pháo hoa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến người và tài sản.

Mặt khác, theo ông Cường dù trước đây có quy định cấm về việc sử dụng pháo hoa, tuy nhiên tình trạng buôn lậu pháo vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó khi bỏ quy định cấm thì cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh pháo hoa phải đủ điều kiện cấp phép theo quy định, đối với trường hợp nhập lậu hoặc không được cấp phép thì phải xử lý thật nghiêm. ​

"Ngoài ra, để đồng bộ với các quy định hiện hành thì khi Nghị định này chính thức có hiệu lực, các bộ, ban ngành cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, hình thức xử phạt đối với việc quản lý, sử dụng pháo hoa để tránh sự chồng chéo trong các quy định pháp luật", luật sư Cường nói.

Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người từ đủ 18 tuổi trở lên là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, 23 và 24.

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

vtc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw