LCĐT - Mạng xã hội trở nên phổ biến, từ người lớn đến trẻ em, ai là “tín đồ” của mạng xã hội đều không khó gặp những clip ẩm thực như bắt cá ở dưới ao rồi ăn sống ngay trên bờ, ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ xong… Những video có tiêu đề lẫn nội dung gây sốc như thế đang xuất hiện ngày càng nhiều trên YouTube, Tiktok... Người xem mạng xã hội đủ lứa tuổi, đặc biệt, trẻ em là đối tượng tò mò, hay bắt chước nhất, các em dễ ngộ nhận với những món ăn phản khoa học, kinh dị.
Nhóm người ăn thịt dê sống và uống máu tươi sau khi giết dê trên kênh YouTube. (Ảnh chụp màn hình) |
Bằng việc “gắn mác” là món ăn đặc sản, nhiều kênh YouTube đã sản xuất những video ăn động vật sống như cá, dê... thu hút lượt xem cao ngất ngưởng. Không ít ý kiến cho rằng liệu đây thực sự là văn hóa bản địa hay chiêu trò câu view bẩn của một số thanh niên?
Trên một kênh có video “Hết hồn với món cá nhảy to bằng bắp chân” ghi lại hình ảnh các thanh niên bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy để ăn sống, trong đó có con cá to bằng bàn tay, có cả con to như bắp chân, khiến nhiều người... buồn nôn. Suốt trong các video, người quay liên tục kêu gọi “anh em nếu thấy thích, thấy hay thì chia sẻ mạnh vào nhé”. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “ăn sống”, lập tức có hàng tá video với đủ tiêu đề gây sốc để thu hút sự quan tâm, tò mò.
Chia sẻ ẩm thực hay trục lợi câu view?
Chủ kênh YouTube trên giới thiệu rằng các video này được làm để chứng minh rằng những món ăn đó không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Khi truy cập các kênh này, dễ nhận thấy những video có tiêu đề nhắc tới hai chữ “ăn sống” có mức view cao hơn hẳn các video khác. Ví dụ video “Ăn thịt dê sống nguyên con” đạt hơn 1,6 triệu, “Món pịa bò sống mổ ra là ăn luôn cho nóng” đạt hơn 1,3 triệu.
Trên danh nghĩa chia sẻ văn hóa ẩm thực, phần lớn video trên kênh này là trải nghiệm các món ăn từ thịt động vật hoang dã. Hàng loạt kênh cũng có video ghi lại quá trình ăn đồ sống tương tự và luôn đạt lượt xem cao.
Là người Lào Cai, tôi khẳng định người dân miền núi và cả những cộng đồng người dân tộc khác trên vùng Tây Bắc không hề có kiểu ăn uống nguyên thủy này. Chúng tôi có ăn gỏi cá sống nhưng không ăn cả con to và kiểu… dã man như thế, hoặc món pịa (phân non) của con bò với cách ăn uống ghê rợn như vậy. Cộng đồng cần lên án những người mạo danh văn hóa người miền núi Tây Bắc để bôi xấu hình ảnh văn hóa ẩm thực và con người nơi đây.
Cần xử phạt mạnh tay
Bên cạnh một số kênh thực hiện đúng với mong muốn quảng bá văn hóa bản địa, không ít kênh làm video ăn sống theo ý muốn riêng chứ không đại diện cho bất kỳ văn hóa ẩm thực của vùng, miền nào. Nói thẳng ra là để... câu view.
Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện mang danh ẩm thực đăng tải trên mạng xã hội nhưng món ăn thì rất phản cảm, kinh dị, khiến nhiều người lầm tưởng, đánh giá, nhìn nhận sai lầm về món ăn của vùng, miền nào đó, đặc biệt trẻ em hay xem mạng xã hội thì dễ bắt chước với kiểu ăn uống mất vệ sinh này.
Việc ăn sống kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Riêng ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm sán dây cá, gây nên các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tắc ruột, nôn ói ra nhiều thước sán dẫn tới nghẹt thở, thậm chí gây trụy tim mạch.
Những cách ăn uống này còn làm xấu hình ảnh văn hóa ẩm thực vùng miền thật sự. Tiến sỹ Vũ Thế Long nói trên sóng truyền hình VTV: “Ăn sống là một trải nghiệm trong ẩm thực của người Việt, không riêng gì đồng bào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng có ăn sống. Nhưng ăn sống một cách văn minh, sạch sẽ chứ không phải bắt bỏ con cua, con cá rồi cho vô miệng. Không thể ăn bừa bãi rồi nói đó là văn hóa. Tôi cho rằng những người đó không biết gì. Hành động đó là tuyên truyền cho một lối sống phản khoa học, phản vệ sinh mà chúng ta phải lên án”.
Mạng xã hội hiện nay bùng nổ, phủ sóng khắp nơi. Mong rằng mỗi chúng ta, người lớn hãy là người dùng mạng xã hội có văn hóa, truyền tải những thông điệp ý nghĩa tích cực, quảng bá nét đẹp món ăn truyến thống của địa phương mình. Hãy là tấm gương cho trẻ, là người lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống.