LCĐT - Còn nhớ cách đây mấy năm, khi địa phương nọ triển khai trùng tu một di tích lịch sử nổi tiếng đã khiến dư luận một phen “nổi sóng”. Bởi, sau khi trùng tu, khung cảnh và nhiều hạng mục của di tích này đã không còn giữ được vóc dáng, hồn cốt vốn có. Thậm chí, tại một diễn đàn, có cán bộ rất bức xúc khi ví von về việc trùng tu di tích đó “sao họ lại có thể mặc váy ngắn cho một bà cụ, như vậy sao coi được…”, nhiều người rất đồng tình với đánh giá này.
Thời gian trôi đi, gần đây dư luận lại xôn xao trước thông tin địa phương nọ đã quyết định vận động nhân dân nhận tiền đền bù, phá bỏ nhiều ngôi nhà cổ để làm một con đường giao thông.
Nhân chuyến công tác về địa phương này, tôi tìm gặp một cán bộ ngành văn hóa đã nghỉ hưu ở đây, vì trước đây ông từng giới thiệu tôi viết bài về những khu nhà cổ của dân tộc ông. Sau tuần trà, tôi gợi chuyện nhờ ông đưa đến thăm lại khu nhà cổ, thì giọng ông buồn buồn: “Đi làm gì nữa anh, hết rồi, họ phá hết rồi !”.
Nhìn nét mặt ông, tôi cảm nhận như ông vừa mất đi một thứ gì đó rất quý giá. Nhấm một ngụm trà, ông kể tiếp: “Khu nhà cổ mà tôi giới thiệu với anh nằm ở thôn tôi sinh ra và lớn lên. Từ bé, tôi rất ngưỡng mộ cha ông vì đã tài tình làm được những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình đẹp và đậm bản sắc văn hóa như vậy. Lớn lên đi công tác, tôi cũng đã về quê vận động nhân dân trong thôn cố gắng giữ gìn, bảo vệ những ngôi nhà đó. Nhưng vừa qua, địa phương có chủ trương mở một tuyến đường đi qua thôn. Việc mở đường rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại nên người dân rất vui, chỉ có điều là tuyến đường này đi qua khu nhà cổ. Huyện đặt điều kiện, nếu muốn có đường thẳng và đẹp thì người dân phải phá bỏ khu nhà ấy và sẽ được đền bù. Khi thấy người dân hỏi ý kiến, tôi đã vận động họ đề nghị chính quyền không nên phá bỏ các ngôi nhà cổ, bởi đó là di sản văn hóa. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, không hiểu sao người dân lại đồng ý phá bỏ. Thật lòng, nhìn thấy cảnh những di sản văn hóa của thôn, bản, của dân tộc mình bị phá bỏ, không chỉ tôi mà nhiều vị cao niên cảm thấy nuối tiếc và buồn vô cùng”.
Nghe câu chuyện, tôi cứ nghĩ mãi về số phận của các di tích lịch sử - văn hóa và còn các cây di sản đã được nhà nước phong danh hiệu, rồi đây sẽ được bảo vệ thế nào…
Di sản văn hóa ở tỉnh Lào Cai rất phong phú, đa dạng như thành cổ, đền, mộ cổ, đền thờ danh nhân lịch sử, chùa, miếu, làng nghề truyền thống, kiến trúc dân gian… Đây không chỉ là bằng chứng lịch sử khách quan, chứa đựng dấu ấn của các thời đại, mà còn thể hiện sinh động những giá trị tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh…
Trong những năm qua, việc bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, không phải ở đâu, chính quyền và nhân dân cũng nhận thức được tầm quan trọng của các di tích nên việc giữ gìn, trùng tu và bảo vệ chưa được chú trọng. Cá biệt, có nơi do nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo hạn chế, nên khi triển khai xây dựng hạ tầng mới, họ đã quên mất việc phải bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần nhận thức đúng giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, để có giải pháp bảo vệ, giữ gìn, qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.