LCĐT - Chiều cuối tuần, tôi vừa đi công tác về thì bất ngờ gặp một vụ tai nạn giao thông. Tôi cố lách người qua đám đông để vào xem sự tình thì thấy cảnh tượng thật đáng sợ: Một chiếc xe mô tô phân khối lớn được trang trí khá đẹp mắt đâm vào phía sau chiếc ô tô đi cùng chiều. Theo những người dân chứng kiến sự việc thì người lái xe mô tô là thanh niên ở huyện B đang theo học tại một trường chuyên nghiệp của tỉnh, do say rượu nên khi đi xe máy, phóng nhanh vượt ẩu đã đâm vào ô tô.
Đang chụp ảnh hiện trường, bỗng có một người vỗ vai tôi: “Đâm hỏng xe ô tô người ta thế này liệu có phải đền nhiều tiền không?”. Quay lại, tôi bất ngờ nhận ra đó là vị cán bộ ở xã nọ mà tôi biết. Tôi hỏi: “Người nhà anh gây tai nạn sao?”. Vị cán bộ xã gật đầu bảo: “Nó là con trai tôi, bị thương khá nặng nên người dân đưa vào bệnh viện rồi. Tôi phải ra đây xem tình hình thế nào”.
Qua câu chuyện của vị cán bộ xã, tôi được biết thanh niên đi xe mô tô phân khối lớn gây tai nạn là con trai đầu của anh. Sau khi học xong lớp 12, theo nguyện vọng của con, anh cho cháu học ở một trường chuyên nghiệp trong tỉnh. Thời gian đầu, cậu con trai đi học rất nghiêm túc, nhưng chỉ sau mấy tháng, cháu về nhà đòi anh mua xe máy để “đi lại cho tiện” và còn bảo bạn bè trong lớp đều có xe máy, nếu không mua xe thì sẽ nghỉ học. Phần vì chiều con, phần có điều kiện kinh tế nên gia đình anh đã sắm cho cậu “quý tử” một chiếc mô tô phân khối lớn.
Có xe, cậu con trai như “mọc cánh”, cứ đầu tuần phóng xe ra tỉnh học, cuối tuần đi xe về nhà chơi. Không chỉ vậy, từ ngày có xe, cậu ta thay đổi hẳn cách sống, mỗi tuần về nhà lại đề xuất một “yêu sách” với bố mẹ như mua điện thoại xịn, quần áo sành điệu... Muốn con “bằng bạn, bằng bè” nên anh vẫn đáp ứng đòi hỏi của con một cách vô điều kiện.
Thấy con có nhiều thay đổi trong cách sống và nhiều người trong xã đi học cùng còn nói xa, nói gần việc cậu “quý tử” hay bỏ học theo bạn đi chơi ở những nơi không lành mạnh, thậm chí còn tham gia đánh bạc… vị cán bộ cũng lo lắng. Nhưng khi hỏi con chuyện học hành, anh luôn nhận được câu trả lời “con vẫn học hành tốt…” nên anh cũng chỉ nhắc nhở qua loa.
Và rồi đến hôm nay, việc xảy ra thật trùng hợp, khi anh đang tham dự một lớp tập huấn thì thấy có người gọi bảo con trai bị tai nạn giao thông nên anh tức tốc ra xem. Thấy cảnh này, anh rất sốc và ân hận vì đã quá chiều con.
Con cái đỗ vào các trường chuyên nghiệp và đi học nghề là niềm tự hào của rất nhiều gia đình ở các xã vùng cao. Việc được học nghề sẽ mở ra tương lai, giúp các thanh niên vùng cao lập nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn trẻ có chí tiến thủ, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên học tập vẫn có không ít bạn vì gia đình nuông chiều, khi tiếp xúc với cuộc sống thành thị đã bị lôi kéo tham gia những thói hư, tật xấu, gây nên hậu quả đáng tiếc.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều sinh viên học tại các trường chuyên nghiệp có xe máy, khi ra đường thường không nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Theo con số thống kê thì có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do thanh niên ở các huyện vùng cao gây ra. Phần lớn các em chưa nắm được nhiều quy định trong Luật Giao thông đường bộ, đi xe lạng lách đánh võng, thậm chí chưa có giấy phép lái xe. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các trường chuyên nghiệp và các gia đình về cách quản lý sinh viên cũng như con em mình.
Nếu muốn cuộc sống sinh viên đầy ý nghĩa và giúp bản thân trưởng thành hơn, các bạn trẻ cũng cần cố gắng học tập, rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần, từ suy nghĩ đến hành động, so bì với bạn bè bằng tài năng, nhận thức chứ không nên nhìn vào những vật chất hào nhoáng bên ngoài.