Hà Nội đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng rác” chưa từng có. Điều mà ít ai có thể tưởng tượng nổi đã xảy ra tại một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.
Hà Nội đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng rác” chưa từng có. Tình trạng rác ngập phố do người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn đã không còn là chuyện hiếm. Điều mà ít ai có thể tưởng tượng nổi đã xảy ra tại một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi. Liệu “khủng hoảng rác” là vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển hay là hậu quả của tình trạng thiếu trách nhiệm và tư duy nhiệm kỳ? Khi nào chính quyền thành phố mới hết loay hoay trong việc giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc như quy hoạch xử lý rác thải?
Suốt 2 năm qua, người dân phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội thường xuyên phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nồng nặc của những đống rác thải khổng lồ tại 1 số nơi tập kết. Núi rác chềnh ềnh giữa đường bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy đã phần nào “ăn mòn” hình ảnh một Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bà Thạch Phương Hoa, ở khu vực An Dương, Hồng Hà và Nghi Tàm, quận Tây Hồ chia sẻ: “Rác cứ đổ tràn ra gây ách tắc và ô nhiễm kinh khủng luôn. Mùi nồng nặc luôn, đi ra ngoài nhiều khi đeo khẩu trang mà vẫn nhức hết cả óc, không thở được luôn, đóng sập cửa luôn mà mùi vẫn nồng nặc. Suốt ngày phải đóng cửa để hút mùi”.
Hà Nội đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng rác” chưa từng có. (Ảnh minh họa)
Còn ông Nguyễn Doãn Phụng, ở cùng khu vực đó cũng cho biết: “Hôm nào xe rác cũng để nước tràn ra ngoài đường, có hôm lấp gần 2 phần của khẩu, ra đường 5m nữa, mùi bay vào nhà kinh khủng luôn.”
Nguyên nhân ùn ứ hàng trăm tấn rác thải được xác định là do Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội có trách nhiệm thu gom rác thải ở khu vực này nợ lương công nhân. Công ty này trước đó đã trúng gói thầu của thành phố thu gom rác tại 6 quận huyện. Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, có thời điểm (từ ngày 1/10/2019 - 6/10/2019), lượng rác thải mà Công ty thu gom về xử lý bằng 0, trong khi khối lượng mỗi ngày cần thực hiện là hơn 40 tấn. Rác thải ùn ứ nghiêm trọng do cách làm ăn tắc trách, nhưng cơ quan chức năng đã không xử lý mạnh mẽ và kết cục là thêm 1 lần người dân phường Yên Phụ tiếp tục sống chung với rác suốt nhiều tháng qua.
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Phụ cho biết, quá trình thu gom rác rất nhiều lần không đúng giờ quy định, không thu gom hết rác trong ngày, nhân dân vô cùng bức xúc.
"Phương tiện chở rác lên Nam Sơn rất ít mà lại hay hư hỏng. Gần đây nhất xe lại rơi cả bánh trên đường Âu Cơ và vi phạm giao thông. Xe ba gác thu gom rác hàng ngày, đến cả chổi cho công nhân cũng rất hạn chế. Đến cuối cùng rác trên địa bàn phường lại ùn ứ” - ông Sáng nói.
Không chỉ khu vực Tây Hồ, tại nhiều nơi trong thành phố, “núi rác” bỗng “mọc lên” ở không ít nơi theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Cách đây hơn 1 tháng, hàng trăm tấn rác xuất hiện lộ thiên trong dự án khu đô thị mới Cầu Giấy (đường Phạm Văn Bạch) gây ô nhiễm cho hàng chục khu dân cư cùng nhiều cơ quan trên địa bàn.
Đường đi của rác không chỉ bị “tắc nghẽn” ở những “tuyến chánh” mà đỉnh điểm vụ việc là liên quan đến khu xử lý chất thải Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn. Đã nhiều lần bãi rác Nam Sơn lớn nhất thành phố gần hết chỗ tiếp nhận, xe ra vào chầu chực chờ trút rác gây tắc đường, nước thải trên xe rò rỉ lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối nồng nặc. Thế nhưng phải nhiều ngày sau, chính quyền thành phố mới biết rõ thực trạng. Bà Hoàng Thị Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn chia sẻ, bãi rác này đã hơn 20 năm, lúc đầu cốt 21, giờ đã là cốt 39, đống rác còn cao hơn cả nhà dân.
"Một số hộ dân sống rất gần bãi rác chỉ cách khoảng 100m. Thời gian gần đây mùi rất hôi thối, đặc biệt là khu vực quanh bãi rác vì xe rác ùn ứ, nước rỉ chảy liên tục. Ngoài ra, bán kính chịu ảnh hưởng của mùi rác thải rất xa, kể cả thị trấn Sóc Sơn cách xa bãi rác nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc. Người dân rất bức xúc…”- bà Hà cho hay.
Chỉ đến khi Thường trực Thành ủy Hà Nội họp khẩn, giai đoạn 2 của dự án khu xử lý chất thải Nam Sơn mới “nhúc nhích” trở lại sau nhiều năm chậm tiến độ. Sau đó, bãi rác Nam Sơn đã có thêm chỗ chôn lấp nhưng vẫn chỉ như “ăn đong”. Trong khi đó, việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện đốt rác ở Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giải quyết các “núi rác”, bao năm qua vẫn nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Hiện nay các giải pháp mới chỉ tập trung ở khu xử lý rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn. Trong khi đó, theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ khu vực phía Nam thành phố cần có tới 3 nhà máy nhiệt điện đốt rác. Phải thực hiện việc này thì mới giải quyết được vấn đề rác thải”.
Thật khó hiểu khi mỗi lần Thủ đô “chìm” trong rác và trong vòng mấy năm qua, hàng chục lần người dân chặn xe vào bãi rác. Dư luận đặt câu hỏi: Sao Hà Nội cứ “nhiệt tình” lát đá vỉa hè dịp cuối năm, nhưng lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm với những việc cần làm ngay như thu gom, xử lý rác thải theo quy hoạch?
Từ thực tế tìm hiểu việc phân loại rác tại nguồn, xử lý rác bằng công nghệ sinh học tại các nước phát triển, ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội, Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học mong muốn Hà Nội không còn tình trạng chôn lấp rác.
"Chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết bài toán môi trường bằng giải pháp vi sinh vật. Những vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng ngồi với lãnh đạo thành phố để giải quyết có hiệu quả” - ông Nguyễn Lân Dũng nói.
Lời đề nghị của chuyên gia này đã cho thấy, việc giải quyết vấn đề rác thải ở Hà Nội không nằm ở giải pháp nào mà cần sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng, vì lợi ích của cộng đồng. Có như vậy mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh mới không xa vời và không còn là khẩu hiệu suông./.