LCĐT - Cuộc sống vốn dĩ luôn bộn bề với vô vàn mối quan hệ và vô vàn câu chuyện, vui có, buồn có, hạnh phúc có và khổ đau cũng có. Giữa sắc sống muôn màu, câu chuyện “giải cứu” luôn được nhiều người quan tâm. Nếu chỉ nghe tên thôi sẽ thấy sự khẩn thiết cần chung tay, nhưng hiểu bản chất, ta sẽ thấy cả một trời yêu thương, san sẻ và đoàn kết của người dân Việt dành cho nhau những lúc “sa cơ”. Tuy nhiên, để hiệu quả cũng cần cẩn trọng.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện chương trình “Chung sức cùng người dân Hải Dương tiêu thụ nông sản”. |
Những ngày cuối tháng 2, cả nước lại lo lắng khi dịch Covid-19 sau hàng chục ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng lại bùng phát ở Hải Dương và một số tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, Hải Dương trở thành tâm dịch. Dịch bệnh hoành hành, cùng với các nghiệp vụ y tế, tất cả các lực lượng đều căng mình chống dịch để cứu chữa người bệnh, khống chế, giảm thiểu mức độ lây lan. Dịch bệnh hoành hành, đồng nghĩa với việc các hoạt động gần như ngừng trệ. Hải Dương có ngành nông nghiệp lớn. Thời điểm dịch bùng phát cũng là thời điểm nhiều nông sản của bà con đến kỳ thu hoạch. Đau xót lắm khi nông dân phải đổ bỏ hàng xe rau, củ, quả là công sức của bao ngày vất vả sớm hôm xuống sông, mương máng, rồi chôn vùi xuống đất làm phân xanh. Đau xót lắm khi những đàn gà con đến ngày ra đàn nhưng không thể xuất bán phải bỏ… Cả nước hướng về Hải Dương chung một niềm đau. Cả nước hướng về Hải Dương với nhiều việc làm thiết thực, trong đó có chiến dịch “giải cứu” nông sản cho đồng bào Hải Dương.
Ra Giêng đất trời ám áp, nông sản ở Lào Cai khá nhiều và giá thành cũng khá rẻ. Tuy nhiên, khi thông điệp “Giải cứu nông sản Hải Dương” trong chương trình “Chung sức cùng người dân Hải Dương tiêu thụ nông sản” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát đi hồi đầu tháng 3 vừa qua, ngay lập tức nhận đã được sự ủng hộ của đông đảo người dân thành phố và các huyện, thị lân cận.
Với tinh thần nhân đạo theo chương trình của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mà đầu cầu thu gom nông sản là Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển lên cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai tiêu thụ với lãi suất 0 đồng, nên toàn bộ các công đoạn (trừ chi phí vận chuyển từ Hải Dương lên Lào Cai) đều được thực hiện miễn phí. Từ việc bốc dỡ, vận chuyển trong thành phố, phân loại và bán hàng… đều do cán bộ hội và các tình nguyện viên thực hiện.
Quầy bán nông sản Hải Dương tại thành phố Lào Cai. |
Chỉ trong 4 ngày, 60 tấn nông sản của nông dân Hải Dương như su hào, bắp cải, cà rốt, ổi đã được tiêu thụ hết. Tại 3 điểm bán hàng của hội tại thành phố ở khu vực chợ Kim Tân, Cốc Lếu, Pom Hán, người mua chen chân ủng hộ. Người ít mua vài ba túi, vài ba cân, người nhiều mua vài chục cân đến vài tạ. Mỗi túi đồ được mua tại các gian hàng không chỉ là sản phẩm hiện hữu, mà chứa đựng trong đó cả sự nhân văn, tinh thần nhân đạo, sự sẻ chia yêu thương của những người cùng chung nghĩa đồng bào.
Dịp này, không chỉ có chương trình của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mà trên các trang mạng xã hội cũng có rất nhiều bài đăng kêu gọi cộng đồng cùng mua chung, gom chung “giải cứu” nông sản Hải Dương với lãi suất 0 đồng hoặc lãi suất rất thấp chỉ đủ trừ chi phí ngày công. Câu chuyện “giải cứu” không chỉ giúp người dân Hải Dương vơi bớt khó khăn, mà còn thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt. Người chung tay cũng thấy ấm lòng, bởi đã góp được một phần dù là nhỏ bé để động viên người dân Hải Dương vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện “giải cứu” cũng còn không ít băn khoăn. Mới đây trên trang mạng xã hội, một tài khoản facebook đã chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười. Xuất phát từ tinh thần yêu thương, chủ tài khoản kết nối với một đầu mối dưới Hải Dương mới quen để lấy nông sản (chủ yếu là ổi) lên Lào Cai tiêu thụ giúp với lãi suất bằng 0. Do dịch bệnh nên người mua không thể về tận nơi kiểm hàng và cũng nghĩ “tin tưởng là chính”. Vậy nhưng, khi nhận đồ thì hàng bị hỏng gần hết. Có lẽ nông sản đã được thu hái rất lâu rồi mới được chuyển đi. Đầu mối cung cấp cũng “mất hút”.
Hoặc cũng khá nhiều người lăn tăn mình đang “giải cứu” cho ai? Cho thương lái hay cho nông dân? Bởi, không ít thương lái nhân dịp này đứng giữa trục lợi, ép giá người dân và lợi dụng lòng tin, sự thương cảm của đồng bào với người gặp khó khăn mà “tuồn” hàng không đúng nguồn gốc, xuất xứ, đó là còn chưa nói đến hàng kém chất lượng.
Vẫn biết “giải cứu” là chương trình nhân văn, nhưng cũng nên là những đầu mối, nên là những “chiến sỹ giải cứu” cẩn trọng và thông minh. “Giải cứu” đúng thời điểm, đúng người để tình người theo chuyến hàng “giải cứu” vang xa.