Chỉ còn vài ngày nữa người dân cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ, đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là thời điểm quan trọng trong tâm thức mỗi người Việt Nam, khi các thành viên trong gia đình được đoàn tụ bên nhau, tri ân tổ tiên, tưởng nhớ người đã khuất, báo hiếu ông bà, cha mẹ, tạ ơn trời đất đã ban một năm an lành, mạnh khỏe. Ai cũng mong chờ dịp Tết Nguyên đán để được sum họp và tham gia nhiều hoạt động lễ hội trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, bước vào năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, biến chủng mới Omicron xuất hiện trong cộng đồng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, ngày 7/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 58/BVHTTDL-VHCS về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Ngay sau đó, nhiều địa phương đã kịp thời có những điều chỉnh trong việc tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết phù hợp với tình hình thực tế. Như tại Hà Nội, ngày 25/1, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã ban hành Công văn số 250/SVHTT-NSVH trong đó đề nghị các địa phương hướng dẫn, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân, thí dụ như tổ chức các hoạt động tín ngưỡng theo hình thức trực tuyến, đồng thời tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) năm 2022 cho đến khi có thông báo mới. Tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu,… cũng tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hạn chế đến mức thấp nhất tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người. Tại Thái Bình, lễ hội đền Trần vốn là sự kiện được nhiều người dân quan tâm, song năm nay là năm thứ hai liên tiếp địa phương quyết định tạm dừng tổ chức để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Có thể thấy, những điều chỉnh nêu trên của các tỉnh, thành phố là hết sức kịp thời, cần thiết, nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho cả cộng đồng.
Dù năm nay hoạt động vui Xuân, đón Tết của người dân có phần bị hạn chế, nhưng điều đó không làm giảm ý nghĩa của Tết cổ truyền, bởi giờ đây, với sự hỗ trợ của công nghệ, người dân dù ngồi một chỗ vẫn có thể gọi điện kèm hình ảnh (video call) cho bạn bè, người thân, tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham gia các lễ hội,… được tái hiện sinh động trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, các hoạt động tín ngưỡng cũng có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến, không làm mất đi sự trang nghiêm, thành kính. Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 chính là điều kiện tiên quyết giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới như Nghị quyết 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã đề ra.
Để thực hiện thành công mục tiêu này rất cần sự đồng thuận, hợp tác của mỗi người dân, không ngừng nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong những ngày đầu năm. Làm được điều ấy, chúng ta sẽ yên tâm vui đón một mùa xuân bình an, ý nghĩa.