
Sức hút từ làn sóng phim hòa nhạc
Trong xu thế đa dạng cách thức tiếp cận các sản phẩm nghệ thuật hiện nay, phim hòa nhạc với khả năng tái hiện phần biểu diễn trực tiếp của nghệ sĩ kết hợp các yếu tố hậu trường, phỏng vấn, câu chuyện cá nhân… chính là cánh cửa mở ra cơ hội giúp công chúng bước vào thế giới của “thần tượng”.
Đây là hướng đi mang tính chiến lược đã được nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới thực hiện thành công, làm nên những hiện tượng phòng vé trên hệ thống rạp chiếu toàn cầu, tiêu biểu như Taylor Swift với phim “The Eras Tour Movie”; BlackPink với “Born Pink in Cinemas”, hay BTS với “Yet to Come in Cinemas”…
Ở nước ta, dù làn sóng phim hòa nhạc mới chỉ bắt đầu những năm gần đây nhưng đã dần khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy âm nhạc điện ảnh.
Ngay những tháng đầu năm 2025, người yêu nhạc Việt chứng kiến hàng loạt dự án phim hòa nhạc ra mắt. Ra rạp cuối tháng 2, phim “Anh trai say hi: Kẻ phản diện tạo nên người hùng” điểm lại các bản hit và hé lộ những tâm sự lần đầu được các “anh trai” chia sẻ, gắn với những áp lực, thử thách phải vượt qua trên con đường theo đuổi nghệ thuật, nhất là khi tham gia chương trình “Anh trai say hi”.
Ngay khi ra mắt, phim thiết lập kỷ lục có lượt đặt trước cao nhất lên tới hơn 45.000 vé.
Giữa tháng 3, bộ phim hòa nhạc khác là “Chúng ta là người Việt Nam-Vietnamese the Concert Film” chính thức được công chiếu. Đây là thành quả nghệ thuật kỷ niệm chặng đường 13 năm ca hát của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, cũng là sản phẩm được dàn dựng công phu để nhìn lại hành trình thực hiện concert “Vietnamese” diễn ra tháng 9/2023.
Trước đó, một số tên tuổi đình đám của làng nhạc Việt cũng khẳng định dấu ấn thành công qua những bộ phim hòa nhạc mang lại doanh thu đáng nể như Sơn Tùng M-TP với phim “Sky Tour: The Movie” (2020), Mỹ Tâm với “Tri âm The Movie: Người giữ thời gian” (2023)…
Mới đây, nhà sản xuất Yeah1 vừa công bố thông tin phim “Anh trai vượt ngàn chông gai” sẽ được công chiếu vào tháng 5 tới, càng tiếp thêm sức nóng cho thị trường phim hòa nhạc Việt.
Rõ ràng, không chỉ giúp nghệ sĩ mở rộng biên độ tiếp cận khán giả, gia tăng giá trị thương hiệu cá nhân, phim hòa nhạc còn mở ra cánh cửa đưa công chúng đến với thế giới phía sau ánh hào quang sân khấu của nghệ sĩ.
Ở đó, bên cạnh lời ca, tiếng hát cùng những góc quay sắc nét, người xem còn thấy những khía cạnh chân thực, gần gũi trong thế giới quan, nội tâm của thần tượng: Nỗi cô đơn, áp lực, hoài nghi và cả những khao khát được chiến thắng chính mình...
Đây là lý do khiến dòng phim hòa nhạc đang được đón nhận mạnh mẽ, góp phần làm phong phú hơn hệ sinh thái âm nhạc và điện ảnh của Việt Nam, đồng thời tạo ra nguồn doanh thu giàu tiềm năng cho ngành công nghiệp biểu diễn. Sự hoàn thiện dần của hệ thống rạp chiếu phim, nhất là sự phát triển của các nền tảng số chính là “bệ phóng” để phim hòa nhạc có điều kiện vươn xa.
Nhiều tiềm năng, thách thức
Yếu tố chủ chốt quyết định thành bại của phim hòa nhạc là mức độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với cộng đồng người hâm mộ (fan) của họ.
Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều fan là có thể tạo ra sản phẩm thành công. Bởi công thức cho phim hòa nhạc không chỉ là sự cộng hưởng của những chất liệu như tiết mục biểu diễn, chuyện hậu trường, tâm sự nghệ sĩ…, mà còn là nỗ lực đưa không gian concert với âm thanh, ánh sáng cùng chiều sâu cảm xúc của nghệ sĩ lên màn ảnh rộng.
Ở nước ta, dù làn sóng phim hòa nhạc mới chỉ bắt đầu những năm gần đây nhưng đã dần khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy âm nhạc điện ảnh.
Thực tế cho thấy, có những bộ phim dù được đầu tư mạnh tay vẫn bị người hâm mộ nhặt “sạn”. Chẳng hạn, “Anh trai say hi: Kẻ phản diện tạo nên người hùng” ngay từ đầu đã được lên ý tưởng với hơn 40 máy quay hoạt động liên tục để ghi lại từng khoảnh khắc của chương trình, song ngay sau khi “trình làng” liền vấp phải nhiều phản ứng khi thời lượng xuất hiện của dàn “anh trai” có sự chênh lệch đáng kể: những nhân vật nhiều fan xuất hiện dày đặc, trong khi một số người chỉ được đề cập thoáng qua…
Trong khi đó, “Chúng ta là người Việt Nam - Vietnamese the Concert Film” của Hoàng Thùy Linh cũng huy động gần 40 máy quay ghi hình trong suốt 6 tháng, được đánh giá là một bộ phim chỉn chu, nhất là ở cách nữ ca sĩ truyền tải nét đẹp văn hóa Việt Nam, nhưng cũng không thể làm nên cơn sốt phòng vé do bị cho là thiếu những điểm nhấn mang tính đột phá...
Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hà, Giảng viên Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn dắt khán giả đến với những khoảnh khắc rất đời, rất người của nghệ sĩ để có cảm giác được gần thần tượng hơn chính là “chìa khóa” làm nên sức hút cho phim hòa nhạc, cũng là yếu tố luôn được các nhà sản xuất tập trung khai thác. Nhưng để làm được điều này không dễ, bởi nếu xử lý không khéo và không tới có thể gây ra những hiệu ứng ngược, thậm chí khiến sợi dây kết nối giữa khán giả và thần tượng bị đứt gãy.
Thực tế, sự xuất hiện ngày càng nhiều của những ngôi sao âm nhạc cùng những concert quy mô, đẳng cấp đang mở ra dư địa lớn cho phim hòa nhạc, góp phần tích cực vào sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Những năm gần đây, không dừng ở quy mô trong nước, một số nghệ sĩ còn mở rộng phạm vi hoạt động ra các nước trong khu vực, tổ chức các liveshow tại nước ngoài và ghi danh ở một số giải thưởng, bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế.
Đây là tín hiệu tích cực hứa hẹn cho sự xuất hiện của nhiều sản phẩm âm nhạc Việt Nam chất lượng vươn tầm khu vực, thế giới, góp phần khẳng định dấu ấn âm nhạc Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.