Từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, việc mua bán dữ liệu cá nhân đã được rao bán công khai trên gần chục group với sự tham gia của khoảng 50.000 người.
Trên không gian mạng thời gian qua xuất hiện nhiều tình trạng gây nhiều phiền phức cho người dùng, trong đó phổ biến nhất là bị gọi điện quấy rối, quảng cáo. Nghiêm trọng hơn là bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là hệ quả từ việc người dùng bị lộ lọt thông tin cá nhân. Tình trạng này ngày càng có dấu hiệu gia tăng đi kèm với hoạt động mua bán, trao đổi trái phép dữ liệu cá nhân.
Trong khi Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số thì các vi phạm, xâm phạm dữ liệu cá nhân cần được xử lý triệt để tạo sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp.
Từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, việc mua bán dữ liệu cá nhân đã được rao bán công khai trên gần chục group với sự tham gia của khoảng 50.000 người. Các đối tượng cho biết, để tạo niềm tin, thu hút người mua, việc rao bán thường là đưa ra giá trị thấp, đồng thời sẽ tặng những gói dữ liệu khác đi kèm.
Khoảng 1 năm trở lại đây, cơ quan công an đã ghi nhận hàng trăm vụ việc liên quan đến mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong đó, một số vụ án công an xác định là có sự tiếp tay của những cá nhân đang làm nhiệm vụ thu thập và quản lý thông tin.
Theo các chuyên gia, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong thời gian qua là do ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của người dân chưa cao, việc sử dụng sim rác còn nhiều. Ngoài ra, Bộ hành lang pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn, dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xem là tài sản, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 13 thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong đó giao Bộ Công an chủ trì xây dựng và trình Chính phủ nghị định này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm và gây thiệt hại đến dữ liệu cá nhân, tổ chức.