LCĐT - Dự kiến, tháng 11/2012, Nhà máy Gang thép Lào Cai sẽ chạy thử để đi vào hoạt động chính thức. Các nhà thầu đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng và chuẩn bị các điều kiện về nguồn quặng sắt... để nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện dự án khai thác đá vôi (nguyên liệu trợ dung cho việc luyện thép) ở thôn Mai Đào, xã Thượng Hà (Bảo Yên) vẫn chưa thể triển khai vì chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án khai thác, chế biến đá vôi tại mỏ đá thôn Mai Đào, xã Thượng Hà (Bảo Yên) có diện tích 12,7 ha, trong đó diện tích khai thác là 2,07 ha, công suất khai thác 43.000 m3/năm. Thời gian gần đây, trong các cuộc họp đánh giá tiến độ xây dựng dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) - đơn vị chủ đầu tư luôn đưa hạng mục mỏ đá Thượng Hà vào danh sách các phần việc chậm tiến độ với kết luận "do còn vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng và đang cùng với chính quyền địa phương tiếp tục giải quyết".
Theo Giấy chứng nhận đầu tư của VTM, đến quý IV năm 2011, Dự án khai thác, chế biến đá vôi tại mỏ đá thôn Mai Đào, xã Thượng Hà sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và đi vào khai thác. Nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc VTM hết sức lo lắng vì tiến độ giải phóng mặt bằng mỏ đá vôi thôn Mai Đào bị chậm. Theo ông Khương, hiện nay, còn 3 hộ dân nằm trong khu vực đường vào mỏ và điểm lắp đặt dây chuyền nghiền sàng đá vẫn chưa di dời, bàn giao mặt bằng để VTM lắp đặt thiết bị mà thời gian thì đã cận kề. Bởi chỉ còn gần 3 tháng nữa, Nhà máy Gang thép Lào Cai sẽ đi vào hoạt động, việc chậm tiến độ của mỏ đá vôi, một trong những nguyên liệu trợ dung phục vụ hoạt động sản xuất thực sự đáng lo ngại. Vì nếu không có nguyên liệu trợ dung thì nhà máy không thể chạy thử và đi vào hoạt động được.
Được biết, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án và trữ lượng mỏ đá Thượng Hà (6/2010), huyện Bảo Yên đã phối hợp với VTM thành lập Ban giải phóng mặt bằng và thông báo quy hoạch mỏ đá này cho các hộ dân. Theo đó, có 16 hộ dân thuộc thôn 5 Mai Đào có diện tích đất trong phạm vi ảnh hưởng, trong đó, 5 hộ phải di chuyển nhà ở. Trong quá trình tuyên truyền, vận động đã có 2/5 hộ phải di chuyển đã đồng ý nhận mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ để tự tìm nơi ở mới, 3 hộ dân còn lại có nguyện vọng được cấp đất tái định cư. Vì vậy, UBND huyện Bảo Yên đã thống nhất với VTM san tạo mặt bằng tái định cư cho 3 hộ dân còn lại với tổng diện tích 810 m2, đơn vị chủ đầu tư cũng hứa sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về điện, nước sinh hoạt cho các hộ dân chuyển đến khu vực này.
Đại diện Ban giải phóng mặt bằng cho biết, việc điều tra, xây dựng phương án đền bù, thuyết phục các hộ dân chấp nhận mức giá đền bù đã tốn rất nhiều thời gian. Khi Ban giải phóng mặt bằng áp giá đền bù với các hộ có đất sản xuất thì các hộ này đồng ý và bàn giao mặt bằng ngay, nhưng 3 hộ có nhà ở thì không chấp thuận phương án đền bù.
Khi nhóm phóng viên đến thôn 5 Mai Đào tiếp xúc với một số hộ dân để tìm hiểu sự việc, ông Nguyễn Văn Đỉnh, một hộ dân nằm trong diện phải di dời đã rất bức xúc khi tưởng chúng tôi là đại diện của VTM xuống giải quyết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông cho rằng, mức giá đền bù cho các hộ dân là quá thấp, với diện tích đất bám mặt đường đến vài chục mét, lại có nhà xây dựng kiên cố của gia đình ông nếu bán theo giá thị trường thì cao gấp đôi mức đền bù này.
Còn trường hợp ông Phạm Văn Bỉnh cũng là 1 trong 3 hộ dân chưa nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thì cho rằng, việc thống kê của đơn vị làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khúc mắc, chưa công bằng. Do chưa nắm được quy hoạch mỏ đá nên ông vẫn cho rằng, đơn vị chủ đầu tư đã cố ý lấy đất nhà ông trong khi nhiều hộ lân cận lại không bị vào diện giải phóng mặt bằng? Ngoài lý do mức đền bù chưa thỏa đáng, các hộ dân này cũng cho biết mặt bằng tái định cư mà đơn vị chủ đầu tư chuẩn bị cho 3 hộ dân là quá nhỏ so với diện tích đất ở cũ. Ông Đỉnh nói: Với diện tích hơn 100 m2 thì các gia đình chỉ đủ dựng nhà, không có đất làm chuồng chăn nuôi và không có đất canh tác để tăng gia sản xuất, nếu chuyển đến đấy ở thì chúng tôi biết lấy gì mà sống.
Mang những thắc mắc của những hộ dân này đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên - đơn vị trực tiếp thực hiện công tác thống kê, áp giá đền bù tại dự án này, ông Đỗ Như Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng mỏ đá thôn Mai Đào, xã Thượng Hà đều được triển khai đúng qui định của Nhà nước, từ việc công bố công khai qui hoạch mỏ đến việc thống kê, áp giá đền bù và bố trí đất tái định cư... Mọi kiến nghị của người dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đều được các cơ quan chức năng xem xét, thống nhất giải quyết và họp dân công bố ngay tại thôn. Ông Dũng khẳng định, trong quy trình thống kê, áp giá đền bù, đơn vị làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Hơn nữa, trong số các hộ dân bị thu hồi đất và phải di chuyển nhà cửa không có hộ nào bị thu hồi đất ở đến 200 m2 nhưng khi bố trí tái định cư đều được giao mặt bằng tới 224 m2 thì không thể nói là mặt bằng hẹp được. Tuy nhiên, còn một số hộ dân vẫn đưa ra những yêu cầu nằm ngoài qui định, chính sách của Nhà nước và nếu cứ chạy theo những kiến nghị của người dân thì không thể đáp ứng nổi. Việc các hộ dân đòi hỏi mặt bằng cũ như thế nào thì di chuyển đến mặt bằng mới như thế là không thể thực hiện được!?
Trước những kiến nghị của người dân về những bất hợp lý trong công tác thống kê, áp giá và việc mặt bằng tái định cư quá hẹp..., ngày 15/8, đoàn công tác của UBND huyện Bảo Yên đã đến làm việc trực tiếp với các hộ dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của dân, đồng thời tiến hành kiểm tra mặt bằng và công trình phụ trợ của khu tái định cư. Căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện đã yêu cầu VTM tổ chức bổ sung thêm một số hạng mục, như bể chứa nước sạch, máy bơm nước, hệ thống điện sinh hoạt... Ông Đặng Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Để người dân sớm ổn định cuộc sống, huyện cũng đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên dành một số diện tích đất chưa trồng rừng để cấp cho người dân thuộc diện di dời, giúp họ có đất sản xuất ổn định đời sống. Ông Dụng cũng khẳng định, Dự án khai thác mỏ đá thôn 5 Mai Đào, xã Thượng Hà đóng vai trò quan trọng, liên quan đến hoạt động sản xuất của Nhà máy Gang thép Lào Cai - công trình trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, huyện đang tích cực phối hợp với VTM đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chậm nhất trong tháng 9/2012 sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho đơn vị khai thác. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý, không để một vài vướng mắc nhỏ mà ảnh hưởng đến tiến độ của một dự án quan trọng.
Qua tìm hiểu có thể thấy, công tác giải phóng mặt bằng Dự án khai thác mỏ đá thôn 5 Mai Đào gặp khó khăn có rất nhiều nguyên nhân; trong đó phải kể đến công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền từ huyện đến thôn, bản trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước chưa chặt chẽ; công tác bố trí đất sản xuất giúp nhân dân ổn định đời sống... chưa được quan tâm đúng mức.
Để đạt kết quả tốt trong công tác giải phóng mặt bằng ở mỏ đá thôn Mai Đào cần có sự gắn kết giữa chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác bố trí, sắp xếp tái định cư phải được triển khai trước một bước và luôn gắn với tạo việc làm cho người dân khi đến nơi ở mới…