LCĐT - Con chữ được gieo ở lưng chừng núi hôm nay sẽ nảy lên những mầm tương lai tươi sáng để đưa mảnh đất vùng cao khó khăn này tiến kịp miền xuôi. Các thầy cô giáo mà chúng tôi gặp ở vùng cao Sông Lẫm, Tả Củ Tỷ (Bắc Hà) đều tâm niệm như thế và chính điều đó giúp họ có động lực để vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thầy giáo mầm non
Sáng sớm, hai anh em Chỉn Xuân Lập (4 tuổi) và Chỉn Đức Tư (2 tuổi) dắt tay nhau đến trường. Con đường này hai anh em đã quá quen thuộc, vì thế chẳng cần bố mẹ đưa đón. Gần đến trường, một dòng suối nhỏ chảy qua đường khiến Lập ngập ngừng chưa biết làm thế nào để dắt Tư qua. Ánh mặt Lập nhìn về mái trường như trông ngóng ai đó. Đúng lúc, thầy giáo Lữ Ngọc Biên đang đứng ở cổng đón học sinh. Rảo mấy bước chân, thầy Biên đã đến chỗ hai anh em Lập, đưa các em vào trường. Nhìn quanh lớp học vẫn còn vài chỗ trống, thầy Biên lại lấy điện thoại gọi phụ huynh xem con mình đang ở đâu… Ngày làm việc của thầy giáo Biên luôn bắt đầu bằng những việc không tên như thế.
![]() |
Lớp ghép do thầy giáo Lèng Seo Mẩu đứng lớp. |
Lớp mầm non của Phân hiệu Sông Lẫm, Trường Mầm non Tả Củ Tỷ có 30 em từ 2 đến 5 tuổi. Nhẹ nhàng, tình cảm và trách nhiệm, nếu là cô giáo mầm non sẽ là điều đương nhiên, bởi vậy, sự có mặt của thầy giáo Lữ Ngọc Biên ở lớp học mầm non trên rẻo cao này khiến cho chúng tôi thực sự ấn tượng. Biết chúng tôi ngạc nhiên khi thấy lớp mầm non lại do thầy giáo đứng lớp, thầy Biên chỉ cười: “Em coi chúng như em, như cháu mình anh ạ, mà đúng thật vì có việc gì bà con trong thôn lại gọi các thầy, bà con coi mình là người nhà mà anh”.
Thầy giáo Lữ Ngọc Biên sinh năm 1988, quê Phú Thọ. Đây đã là năm thứ 8 anh công tác ở Tả Củ Tỷ. Đã đi hầu hết các phân hiệu ở xã vùng cao này và thầy khẳng định, Sông Lẫm là phân hiệu khó khăn nhất. Không đường, không điện, công tác dạy học của các thầy cô nơi đây vất vả hơn so với các đồng nghiệp vùng thấp, giải thích thì mất cả buổi. Thầy Biên chỉ ví dụ ngắn gọn nếu có điện, một số tiết học giáo viên có thể trình chiếu cho học sinh xem trên máy tính thì sẽ trực quan hơn rất nhiều, nhưng hiện phải vừa nói, vừa dùng đủ loại ngôn ngữ hình thể để diễn tả. Không được tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại cũng là thiệt thòi của học sinh nơi đây, nhưng cả thầy và trò đều gắng sức, bởi chẳng khó khăn nào là không thể vượt qua. Thầy Biên tâm sự, mình đứng lớp ở đây dẫu vất vả, nhưng không thể bằng bà con đã sinh sống ở đây bao đời nay. Mình chỉ hy vọng công việc mình làm hôm nay sẽ góp được một phần giúp thế hệ tương lai nơi đây có cuộc sống tươi sáng hơn.
Lớp học ở lưng chừng núi
Phân hiệu Sông Lẫm cách điểm trường chính chưa đến chục cây số, nhưng đường đi hiểm trở khiến những ai mới lên lần đầu có cảm giác khoảng cách về địa lý phải gấp nhiều lần thực tế. Khi biết chúng tôi có ý định lên phân hiệu này, Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ Vàng Văn Thiên bảo phải chờ anh liên lạc với người dân để hỏi kỹ đường có thông không, bởi chỉ hôm trước hôm sau đã khác rồi. Đầu giờ chiều, chúng tôi bắt đầu xuất phát, mất gần 1 giờ đi xe máy và cũng chừng ấy thời gian đi bộ, phân hiệu Sông Lẫm cũng hiện ra trước mắt cheo leo trên sườn núi. Sau nhiều năm tôi mới có dịp trở lại phân hiệu này. Lớp học mới được thay thế dãy nhà gỗ xập xệ trước đây giúp các thầy cô giáo yên tâm bám trường, bám lớp hơn. Ngoài lớp học mầm non, ở phân hiệu Sông Lẫm còn có một lớp tiểu học 18 em. Lớp tiểu học này do thầy Lèng Seo Mẩu đứng lớp cũng đặc biệt hơn các lớp ở vùng thấp, bởi đây là lớp ghép “hai trong một”: Một nửa lớp là học sinh lớp 2, nửa lớp là học sinh lớp 1. Trong phòng học vài chục mét vuông, thầy Mẩu đi lại như con thoi, vừa dạy các em lớp 2 học toán, lát sau lại quay về phía các em lớp 1 dạy chữ cái. Trước đây, ở phân hiệu có cả học sinh lớp 4, lớp 5, nhưng nay học sinh từ lớp 3 trở lên đã xuống điểm trường chính. Vì vậy, bên cạnh dạy kiến thức, các thầy giáo còn dành nhiều thời gian để dạy kỹ năng sống, chuẩn bị cho các em tinh thần tự lập khi xa nhà.
![]() |
Đường đến trường của học sinh Tả Củ Tỷ còn nhiều gian nan. |
Thầy giáo Lèng Seo Mẩu là người con của Sông Lẫm, sau nhiều năm ở phân hiệu khác, năm học này anh được nhà trường phân công về công tác tại đây. Con đường đến trường của các em hôm nay không còn gập ghềnh như trước, nhưng còn đầy khó khăn, thử thách. Hiểu được nỗi khó khăn, vất vả khi thiếu con chữ, thầy Mẩu luôn tận tụy uốn nắn từng học sinh để các em có nền tảng tốt nhất khi bước lên những nấc thang mới. Thỉnh thoảng lớp học lại đón những vị khách là bố mẹ học sinh đi làm ngang qua rẽ vào xem con mình học hành ra sao. Biết các thầy cô giáo vất vả, người cầm cho ít chè, người cho nắm rau, người cho con gà. Trưởng thôn Sông Lẫm Lù Seo Thành bảo, bà con biết ơn các thầy cô giáo lắm, có cái chữ trong đầu thì mai sau con em Tả Củ Tỷ mới có thể giúp thôn mình no ấm.
Không còn những câu chuyện giành giật học trò khỏi lạc hậu như trước kia, ngày nay ở vùng cao Sông Lẫm dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của các thầy cô giáo trẻ nơi đây khi biết các cháu nhỏ độ tuổi đến lớp đều được đi học, nhiều học sinh học hết THCS đã tiếp tục học THPT và thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch HĐND xã Tả Củ Tỷ Lèng Seo Vần tự hào lắm, bởi mặc dù là thôn khó khăn nhất xã nhưng Sông Lẫm lại có rất nhiều người là cán bộ xã; Chi bộ thôn Sông Lẫm có gần 20 đảng viên, tất cả nói lên rằng người dân nơi đây có truyền thống quan tâm đến sự học.
Chiều trên vùng cao Sông Lẫm, tiếng ríu ran của lũ trẻ tan trường chạy tung tăng trên những thửa ruộng cạn xua đi không gian yên ắng trước khi màn đêm phủ xuống. Anh Lèng Seo Vần bảo, trong những đứa trẻ ngày trước nhà báo chụp ảnh đăng lên báo có con trai anh giờ đã đi học chuyên nghiệp rồi, năm sau ra trường sẽ xin về đây công tác. Tôi thầm hy vọng những đứa trẻ tôi gặp hôm nay rồi đây cũng sẽ có tương lai tươi sáng như thế.