UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh kiểm tra trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà.
Tại huyện Si Ma Cai, đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thúy N. ở tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai. Hộ kinh doanh này vi phạm quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, như không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phần sơ chế, chế biến, đóng gói, các khu vực nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và một số khu vực phụ trợ khác. Các thành viên trong đoàn đã tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục vi phạm.
Trên địa bàn thành phố Lào Cai hiện có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến bánh hạt dẻ. Đây là loại bánh được người dân, du khách ưa chuộng nên có lượng tiêu thụ lớn. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất 1 cửa hàng sản xuất bánh hạt dẻ tại đường Hồng Hà, phường Cốc Lếu. Trong quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở mắc một số vi phạm như không có hồ sơ tự công bố sản phẩm; nhãn không đúng quy định; không xuất trình được giấy chứng nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Nhận thấy cơ sở mới chuyển mô hình sản xuất, kinh doanh từ ngày 1/3/2023, đoàn kiểm tra đã đề nghị cơ sở nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính liên quan và sẽ giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm.
Quá trình chế biến, sản xuất của các cơ sở cũng được đoàn nhắc nhở về việc bảo quản nguyên liệu cũng như tuân thủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh như đeo khẩu trang, găng tay...
Ông Hà Ngọc Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh - Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 cho biết: Việc kiểm tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, nhiều hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đã được phát hiện và xử lý, như kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt móng tay; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước... Tại các chợ nông thôn, chợ cóc, chợ tạm, chợ phiên, việc quản lý kinh doanh, chế biến thực phẩm còn chưa chặt chẽ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn xảy ra tình trạng tư thương sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc để bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch của thú y còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Tại các địa phương, việc tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được đẩy mạnh thông qua truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp tới hộ gia đình bằng hình ảnh trực quan sinh động, ưu tiên các xã vùng xa, vùng khó khăn... Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ cho khu vực sơ chế và chế biến; người kinh doanh thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh, bảo quản thực phẩm...
Mục đích cuối cùng của đảm bảo an toàn, an ninh thực phẩm là để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, yếu tố tiên quyết để thực hiện được điều đó vẫn nằm ở việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.