Việt Nam chính thức thanh toán bệnh mắt hột

Bộ Y tế chính thức công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam. Sau hơn 7 thập kỷ bền bỉ, nỗ lực khám, chữa bệnh mắt hột, Việt Nam đã đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này ra khỏi cộng đồng.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam trao quyết định công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Ảnh: VGP/HN
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam trao quyết định công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Ảnh: VGP/HN

Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột được Bộ Y tế tổ chức tại Bệnh viện Mắt Trung ương, ngày 14/4.

Việt Nam nằm trong 21 nước thanh toán bệnh mắt hột

Theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, tại phiên họp thứ 75 của tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức ở Philippines ngày 21/10/2024, tổ chức WHO đã chính thức công nhận và vinh danh Việt Nam về thành tích thanh toán thành công bệnh mắt hột.

Đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam nói chung, ngành y tế nói riêng sau hơn 7 thập kỷ phấn đấu và quyết tâm phòng chống bệnh mắt hột.

Như vậy, Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.

Ghi nhận về thành tựu này, Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đánh giá, việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên cả nước. Đồng thời cũng là minh chứng điển hình về các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. Tại Việt Nam, những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch và vệ sinh môi trường không đảm bảo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh rằng, có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột.

PGS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại Lễ công bố - Ảnh: VGP/HM
PGS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại Lễ công bố - Ảnh: VGP/HM

Hơn 90% người dân mắc bệnh mắt hột

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ, từ năm 1917, Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà được Chính quyền Pháp tại Đông Dương thành lập để chữa bệnh cho người Pháp và người Việt. Khi đó, có tới hơn 90% người dân Việt Nam mắc bệnh mắt hột. Trong đó, 15% số người bị lông quặm do bệnh mắt hột, tỷ lệ gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn…

Đây là căn bệnh gây khó chịu cho người bệnh, giảm chất lượng sống, thậm chí gây mù loà do các biến chứng như lông quặm, sẹo giác mạc. Trước năm 1945, việc phòng chống bệnh mặt hột gần như không đáng kể.

Năm 1957, Viện Mắt hột - tiền thân của Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay, được thành lập, mở ra thời kỳ mới trong công cuộc phòng chống mù lòa tại Việt Nam. Trong đó, ưu tiên đặc biệt cho công tác phòng chống bệnh mắt hột.

Nhiều thập kỷ sau đó, phong trào phòng chống bệnh mắt hột lan rộng khắp cả nước. Viện Mắt hột – Bệnh viện Mắt Trung ương trong vai trò hạt nhân của ngành mắt, vừa triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong phòng chống bệnh mắt hột, vừa triển khai xây dựng, đào tạo mạng lưới cán bộ nhãn khoa ở các địa phương, thành lập các đoàn xe lưu động khám mắt, mổ quoặm… ở cộng đồng, vừa phát động các phong trào tuyên truyền, phổ biến kiến thức toàn dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh mắt hột và các biến chứng liên quan.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cùng những nỗ lực không ngơi nghỉ của các thế hệ thầy thuốc nhãn khoa, của ngành Y tế và sự hỗ trợ về kỹ thuật, thuốc men, tài chính của các tổ chức quốc tế, đến nay, bệnh mắt hột không còn là vấn đề sức khoẻ cộng đồng.

Tại Lễ công bố, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được cùng Việt Nam kỷ niệm thành tựu đáng tự hào trong việc loại bỏ bệnh mắt hột ra khỏi vấn đề sức khoẻ cộng đồng.

Thành công này phản ánh nhiều thập kỷ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của các dịch vụ chăm sóc mắt tích hợp, việc cải thiện nước sạch và vệ sinh, cũng như sự tham gia của cộng đồng. Đây là kết quả của quá trình phối hợp đa ngành bền vững.

Tiến sĩ Angela Pratt phát biểu tại Lễ công bố - Ảnh: VGP/HN
Tiến sĩ Angela Pratt phát biểu tại Lễ công bố - Ảnh: VGP/HN

Vì một tương lai không còn bệnh mắt hột

Nguyên nhân gây bệnh mắt hột chủ yếu do vệ sinh không đảm bảo, nhiều thành viên gia đình ở cùng trong không gian chật chội, khả năng tiếp cận nguồn nước không đầy đủ, không sạch, khả năng tiếp cận và sử dụng hệ thống vệ sinh không đầy đủ…

Vì một tương lai không còn bệnh mắt hột, Tiến sĩ Angela Pratt đề nghị Việt Nam triển khai thực hiện 3 hành động quan trọng trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần duy trì bền vững kết quả này bằng cách tiếp tục sử dụng những công cụ đã mang lại thành công, như giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho những người đã bị nhiễm bệnh mắt hột, đồng thời tiếp tục tiếp cận dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại cộng đồng – những dịch vụ này không chỉ đảm bảo phòng bệnh mắt hột mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Thứ hai, cần đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người, ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Thứ ba, hãy tận dụng động lực có được từ việc thanh toán bệnh mắt hột để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

Cũng tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò đầu mối chuyên môn của Bệnh viện Mắt Trung ương trong quá trình triển khai chương trình kiểm soát và thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thanh toán bệnh mắt hột không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan hay lơ là. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được một cách bền vững, thông qua việc tăng cường công tác giám sát, phát hiện và quản lý ca bệnh tại cộng đồng; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh mắt hột.

Bảo đảm nguồn lực, cơ chế tài chính cho các hoạt động phòng chống, trong đó có chi trả phẫu thuật quặm thông qua bảo hiểm y tế theo quy định…

"Thành công hôm nay là niềm tự hào chung của ngành Y tế Việt Nam và cũng là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu, hướng tới mục tiêu bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng khẳng định.

Theo baochinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Ngày 4/7, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, 230 trung tâm VNVC trên toàn quốc đã triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, vaccine phòng não mô cầu được chỉ định tiêm cho người lớn từ 56 tuổi trở lên.

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Sau ngày 1/7/2025 thời điểm chính thức thành lập tỉnh Lào Cai mới trên cơ sở sáp nhập Lào Cai và Yên Bái, bộ máy chính quyền hai cấp đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Một trong những lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm là quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Thực tế tại các cơ sở y tế cho thấy, công tác KCB diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đến khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) sẽ có 40 đơn vị y tế công lập và 5 đơn vị y tế tư nhân. Trong đó, có 4 bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đã được đổi tên thành bệnh viện đa khoa khu vực; Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện được đổi tên và chuyển nguyên trạng về trực thuộc Sở Y tế. 

Lào Cai bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Lào Cai bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phối hợp triển khai những hoạt động cần thiết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.

fb yt zl tw